Ban đầu các tổ chức tôn giáo thường không chấp nhận công nghệ, nhưng dần rồi công nghệ nhanh chóng trở thành một phần của tôn giáo chính thống.


Ảnh: South China Morning Post
Công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang làm mới cách người ta tương tác với mọi thứ, từ thực phẩm cho đến y tế và giờ đây là cả tôn giáo.

Từ đọc Kinh Thánh điện tử cho đến thầy tu robot, nhiều tín ngưỡng khác nhau đã hấp thụ ý tưởng từ thế giới công nghệ để nâng cấp hoạt động tôn giáo chính thống.

Người theo đạo Hồi trên khắp thế giới có thể tải về ứng dụng ví như Muslim Pro với lịch cầu nguyện hàng ngày, thông báo giờ mặt trời mọc và mặt trời lặn cũng như la bàn điện tử để giúp họ dễ dàng xác định hớng của thánh địa Mecca.

Nhiều ứng dụng khác giúp điều chỉnh thời gian nhịn ăn trong tháng nhịn ăn Ramadan dựa trên địa điểm mà thiết bị đó đang được sử dụng.

Trên thực tế, cộng đồng người đạo Hồi có thể coi như một trong những cộng đồng tôn giáo sử dụng công nghệ cao nhiều nhất bởi rất đông tín đồ theo đạo Hồi là những người trẻ tuổi có độ tuổi từ 16 đến 30 sống ở khu vực Trung Đông và châu Á.

Khảo sát do tổ chức nghiên cứu Pew thực hiện vào năm 2017 cho thấy những nước Hồi giáo nghèo có đông người theo đạo Hồi thường có rất nhiều người sử dụng điện thoại thông minh. Ví như tại Palestine có đến 57% người sử dụng điện thoại thông minh, tỷ lệ này chỉ thấp hơn chút nếu so với con số 60% tại Đức.

Những chuyên gia công nghệ Nhật thậm chí còn muốn nâng cấp công nghệ nhiều hơn nữa, họ đưa ra cả thầy tu robot được lập trình để thực hiện các nghi lễ đạo Phật.

Robot này có thể thực hiện các nghi lễ cần thiết trong đám tang với giá 462USD, thấp hơn rất nhiều so với con số chi phí 2.232USD mà một thầy tu thực thường tính với gia chủ cho công việc tương đương.

Mối quan hệ giữa công nghệ và tôn giáo không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Giáo sư tại viện khoa học và tôn giáo Faraday, bà Beth Singler, chỉ ra việc tôn giáo kết hợp với công nghệ trải qua ba giai đoạn: phủ nhận, chấp nhận và thích nghi.

Chia sẻ với CNBC, bà nói rằng ban đầu các tổ chức tôn giáo thường không chấp nhận công nghệ, nhưng dần rồi công nghệ nhanh chóng trở thành một phần của tôn giáo chính thống.

Những người có đức tin thường lo ngại về yếu tố đạo đức đằng sau việc tạo ra cỗ máy giống con người.

Những người theo đạo Thiên chúa có thể vào phòng xưng tội để có được những cuộc thú tội và tương tác như thật. Dù nó có thể giúp người ta bớt xấu hổ khi muốn thú nhận bí mật thầm kín nhất của con người, những tương tác đó không khỏi khiến người ta hoài nghi về việc liệu chia sẻ của người thú tội sẽ được gửi đến đâu, khi xét đến những lo lắng xung quanh bê bối Facebook-Cambridge Analytica mới đây liên quan đến hàng chục triệu người dùng.

Giáo sư Stephen Hawking và CEO của Tesla Elon Musk đã thể hiện tâm lý lo lắng về những mối họa với loài người nếu trí tuệ nhân tạo (AI) đạt đến năng lực tối đa, người ta hoài nghi liệu robot có thể có khả năng nhận thức hay không và liệu có khả năng nhận biết và lựa chọn tôn giáo để theo.