Trong Nhạc kinh có ghi: “Nhạc giả thiên địa chi hòa giả”. “Nhạc” là đoàn kết và hòa hợp. “Nhạc” không phải chỉ khi hòa âm, diễn xướng, ca hát, tán tụng mới gọi là “Nhạc”, mà “Nhạc” hiện hữu trong mọi hoạt động thường ngày. Công việc có chất “Nhạc”, thì công việc đó có sự gắn kết hài hòa, ổn định. Tổ chức có chất”nhạc”, thì mới đoàn kết và hòa hợp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với phương châm “Đoàn kết - hòa hợp”, nghĩa là cũng hoạt động trên tinh thần của “Nhạc”.


Hiện nay, có vài cá nhân trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu rằng: “Giáo hội chỉ cần Ban Văn hóa là đủ, không nhất thiết phải có Ban Nghi lễ, vì nghi lễ là thụ động, chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng và là văn hóa nhập khẩu từ Trung Quốc” . Từ ý kiến phủ nhận này, chúng ta cần nhìn lại dòng lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời hợp nhất các hệ phái - đoàn thể thành một tổ chức duy nhất, gồm 12 Ban: từ Ban Tăng sự, Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa cho đến Ban Kiểm soát, Ban Pháp chế v.v... Và Nghi lễ cũng là một Ban trực thuộc (căn cứ theo điều 21, chương 5, Hiến chương Giáo hội).

Theo Hiến chương Giáo hội, Ban Nghi lễ “Hoạt động nhằm mục đích thống nhất và xây dựng các nghi thức thờ cúng, lễ bái, tụng niệm (chính thức bằng tiếng Việt) cho tăng ni, tín đồ phật tử theo đúng chánh pháp và phù hợp với từng vùng miền, từng hệ phái”; “nghiên cứu, biên soạn tổ chức các nghi lễ của Phật giáo”. Như vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, trong “đại gia đình” Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có sự phân vai, giao trách nhiệm rõ ràng cho từng “thành viên” đều được cống hiến tâm huyết, trí huệ trong sở trường và sinh hoạt ổn định, không bị chồng chéo lên nhau. 

Ngược dòng thời gian, khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, từ khoảng cuối thế kỷ thứ 2, đạo Phật đã có mặt trên mảnh đất thân thương này. Đạo Phật như một dòng nước mát hòa chảy cùng bản sắc dân tộc, thấm vào đất tạo thành mạch nước ngầm tô bồi cho cây cỏ thêm đơm hoa, kết trái. Đạo Phật đi đến đâu, chẳng những không đả phá bất kỳ văn hóa bản địa nào, chẳng giống như những cơn lũ dữ cuốn trôi kỳ hoa dị thảo của đất nước, mà trái lại đạo Phật đi đến đâu còn thổi vào đó ngọn gió tỉnh thức, giúp con người nhận ra được chân giá trị của những vấn đề trong cuộc sống. 
Có câu nói: “Chúng sanh thuyết ngưu, Phật thuyết ngưu. Chúng sanh thuyết mã, Phật thuyết mã”. Vấn đề cốt lõi mà đạo Phật mở ra cho con người không nằm ở danh xưng là con trâu hay con ngựa, mà là sức chuyên chở, truyền tải có một giá trị nhất định. Tinh thần của Phật giáo Đại thừa là hòa hợp, không đóng khung, cục bộ, không đả phá, bác bỏ. Chính điều này đã làm nên đặc trưng văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Đó là điều mà chúng ta phải tư duy, nhưng tiếc là chúng ta lại không chăm chú đến. 

Phật giáo Việt Nam không hề thua sút Phật giáo các nước, chư Tổ của chúng ta đã thành công trong việc Khế lý, Khế cơ dung hợp và chuyển hóa khi giáo hóa tại Việt Nam, bằng nhiều phương tiện khác nhau, tiếc rằng ở thế hệ sau, một số ít vì lý do chủ quan nào đấy lại không thừa nhận, thậm chí muốn bác bỏ. Đứng ở vị trí là hàng hậu học kế thừa sự nghiệp mà chư Tổ đã để lại, liệu việc làm này đã đủ cơ sở thuyết phục hay chưa, không khéo chúng ta lại phản bội với các bậc Tiên giác đã dày công gầy dựng.

Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam tự hào là một lĩnh vực đa dạng, phong phú. Nhờ sự đặc trưng thổ nhưỡng ở mỗi vùng miền, lại có sự phản ánh văn hóa thông qua nghi lễ Phật giáo khác nhau. Miền Bắc có nghi lễ Phật giáo miền Bắc, miền Trung có nghi lễ Phật giáo miền Trung, miền Nam có nghi lễ Phật giáo miền Nam. Nếu nói nghi lễ miền Bắc là gốc rễ cứng chắc bám sâu vào lòng đất, thì nghi lễ miền Trung là thân cành vững chải vươn rộng rợp bóng xanh tươi, để rồi từ nền tảng đó nghi lễ miền Nam là sự đơm hoa kết trái sum suê làm đẹp cho nghi lễ nước nhà. Nói như vậy, để mọi người có cùng quan điểm bảo vệ “màu cờ sắc áo” của nước mình, mình không tự ti rằng nghi lễ Phật giáo Việt Nam là vay mượn. Nếu có chăng, thì đó cũng là sự diệu dụng của chư Tổ, muốn chắt lọc những tinh hoa, những chất dinh dưỡng có thể tiêu hóa được, để tô bồi cho văn hóa Phật giáo nước nhà thêm phong phú.

Văn hóa là giao thoa. Việc tiếp nhận cái hay đẹp không phải là sính ngoại, chối bỏ cái truyền thống của nước mình, mà hay đẹp nằm ở chỗ hài hòa và mọi người có thể cùng tiêu hóa được. Mình không thể bỏ áo, bỏ y, đổi âm, đổi giọng rồi cho đó là học tập, là tiến bộ, cải cách. Chính sự nhận thức cẩu thả này, làm cho nghi lễ Phật giáo Việt Nam ngày nay xảy ra nhiều hình thức biến tướng, không phát huy đúng nghĩa “Phật Đà phạm bái”. Người làm công tác nghi lễ cần phải tham khảo, tư duy nhiều, loại trừ những hình thức tạp kỹ, mang tính vay mượn từ tín ngưỡng dân gian, khiến mọi người hiểu sai tông chỉ của nghi lễ Phật giáo.

Quay lại việc những ngày đầu khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ Ấn Độ để thích nghi với môi trường, các Tăng sĩ Ấn Độ chuyển đổi sao cho người bản địa Việt Nam thấy rằng những sinh hoạt của mình không có gì dị biệt với văn hóa sẵn có. Từ tuệ giác đó, mà uyển chuyển thay đổi dần dần cho đến ngày nay, Phật giáo Việt Nam có phục sức riêng, âm điệu riêng và sinh hoạt riêng. Nghi lễ của Phật giáo Việt Nam trên tinh thần đó, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy phong thái cổ kính của Tiền gia. 

Cũng thang âm, điệu thức đó nhưng không bi ai, ủy mị, mà giúp mọi người thấy được chơn lý, nghi lễ của Phật giáo Việt Nam mang tính đặc thù của Phật giáo Việt Nam, vì để cập nhật, để thích nghi, thích nghi mới tồn tại. Nếu không làm như thế, thì chỉ có việc trồng cây trong chậu, không thể bám rễ thật sâu xuống mặt đất, không thể phát triển cành lá sum suê được. Nếu thích nghi được điều này, đó chính là Việt hóa nghi lễ mà Giáo hội đã chủ trương. 

Thiết nghĩ, Việt hóa nghi lễ, không nhất thiết phải đem hết kinh điển ra soạn dịch lại, vì việc đó chư Tổ đã làm, thậm chí còn dư thừa cho chúng ta sử dụng. Nhưng vì câu chữ qua thời gian có nhiều thay đổi, nên cần chỉnh sửa lại cho phù hợp, nhưng tuyệt nhiên cũng chỉ là việc làm tương đối mang tính ôn cố tri tân. Phật giáo Việt Nam tính đến nay, vẫn chưa có dịch trường quy mô lớn, trải qua 500-600 năm, kinh điển vẫn không thay một câu, không đổi một chữ. Nên với lĩnh vực văn hóa và nghi lễ, công tác dịch thuật khi triển khai cần được thẩm định trước khi lưu hành, người dịch phải là người có nghiên cứu tường tận nội điển, tránh trường hợp bất nhất quan điểm giữa các bản dịch, dẫn đến chỉ trích qua lại giữa các Ban ngành. 
Phương châm của Giáo hội là “Đoàn kết - Hòa hợp”, nhưng khi chúng ta lên tiếng phủ nhận việc làm của các Ban ngành khác, thì liệu chúng ta có còn “Đoàn kết”, có còn gọi là “Hòa hợp” nữa hay không? Chúng ta được phép phát huy, được quyền diễn bày pháp hành của mình, nhưng chúng ta có cần đả phá pháp hành của người khác? Và trở lại phần mình, chúng ta đã thực sự hiểu rõ về pháp hành của người khác để có những nhận định chưa khách quan như vậy?

Trở lại việc làm của nghi lễ, cũng chỉ là những hình thức mượn phương tiện mà độ sanh, hướng con người đến giá trị cốt lõi của đạo Phật. Cốt lõi của đạo Phật không phải dừng lại ở những thuật ngữ như: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo hay Thập Nhị Nhân Duyên, mà là giá trị cứu khổ, ban vui của đạo Phật. Khế Kinh chép: “Nhất thiết Tu-đa-la như tiêu nguyệt chỉ; hơn nữa, Chánh pháp thượng xả hà huống phi pháp”, nghĩa là tất cả các pháp đều như ngón tay chỉ trăng, nhưng không phải là mặt trăng. Đức Phật thuyết pháp tùy căn cơ chúng sinh mà diễn bày nhiều phương tiện, nhiều pháp môn. Nhưng những pháp môn đó vẫn chỉ là phương tiện, chưa là cứu cánh tuyệt đối. Làm nghi lễ là diễn Sự, nhưng từ Sự phải đạt Lý. Lý và Sự phải song hành, không thể chỉ chấp chặt bên này mà bỏ bên kia, hoặc ngược lại.

Nghi lễ nên chia làm hai phần:

1. Nghi lễ đại chúng.
2. Nghi lễ truyền thống.

Nghi lễ đại chúng chỉ sử dụng thống nhất một văn bản, không nên tán tụng để thời kinh của đại chúng được ngắn gọn. Nghi lễ truyền thống thì tùy thuộc vào nhu cầu mà giữ âm điệu - phong thái - cách thức theo từng vùng miền, để vừa phù hợp với không gian, thời gian mà vẫn giữ được truyền thống của chư Tổ trao truyền lại suốt mấy ngàn năm.

Tiền sư Bách Trượng đã nói: “ Tiền gia nên duy trì phong thái cổ kính để tăng vẻ uy nghiêm”. Người làm công tác nghi lễ phải ý thức đến sự tồn vong của Phật giáo để nghi lễ cũng là Hoằng pháp sát cạnh quần chúng. Được như vậy, mới không đánh mất giá trị nghi lễ mà chư Tổ đã truyền trao. 

Trên tinh thần tu học, với mong muốn được góp thêm chánh kiến về tông chỉ và vai trò của nghi lễ trong Phật giáo, trong bản tham luận của Ban Nghi lễ hôm nay, là nói lên những thao thức của mình trong sinh hoạt Phật giáo hiện tại, để đóng góp một phần nào trong công cuộc xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam đã tốt càng tốt hơn, trên nền tảng “Đoàn kết - Hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm Giáo hội”. Ban Nghi lễ rất mong nhận được sự đóng góp xây dựng của tất cả các Ban Viện trong Giáo hội. Trước khi dứt lời, kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII thành công tốt đẹp.

Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN
Nguồn Phatgiao.org.vn