Lâm Tỳ Ni – nơi Phật Đản sinh là một trong bốn Thánh tích thiêng liêng của Phật giáo tại Ấn Độ, ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của đức Phật Thích Ca (3 thánh tích còn lại gồm: Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) nơi Phật thành đạo, Sarnath (Lộc Uyển) nơi Phật chuyển pháp luân-thuyết pháp lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như và Kusinara (Câu Thi Na) nơi Phật nhập Niết bàn).
Lâm Tỳ Ni là phiên âm Hán Việt thông dụng của địa danh Lumbini (tiếng Phạn: लुम्बिनी, Lumbinī) là một trong những dịa điểm hành hương nổi tiếng của đạo Phật tại quận Rupandehi thuộc Cộng hòa Dân chủ liên bang Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36 km.
Nơi đây được cho là Hoàng hậu Mada hạ sinh ra thái tử Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa), người sau này tu hành giác ngộ hiệu là đức Phật Thích Ca và khai sinh ra Phật giáo.
Thánh tích là nơi nổi tiếng, hàng năm, có rất đông chư Tăng ni, Phật tử ở khắp nơi trên thế giới đến hành hương chiêm bái và cảm nhận được sự hộ trì của Tam bảo rất rõ ràng.
Năm 1997, UNESCO chính thức liệt kê Lâm Tỳ Ni trở thành di sản văn hoá thế giới, tiếp tục khai quật, trùng tu và tôn tạo Lâm Tỳ Ni.
Trong Kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn), trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn đã có lời căn dặn: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sinh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chính đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sinh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.
Lâm Tỳ Ni hiện giờ đã là tàn tích so với năm xưa bao gồm một cây bồ đề, một hồ tắm xưa, một trụ cột do vua A Dục vương dựng nên và đền thờ hoàng hậu Mada. Lâm Tỳ Ni còn bao gồm quần thể các công trình văn hoá Phật giáo, chùa chiền, tu viện các nước Phật giáo gồm Đại thừa Phật giáo, Nguyên thủy Phật giáo và Kim Cang Thừa Phật giáo được kiến lập có quy hoạch.
Tại đây, Phật giáo Việt Nam được góp sức mình trong công cuộc phục hưng, tôn tạo khu thánh địa này với sự hiện diện của hai ngôi chùa Việt có tên: Việt Nam Phật Quốc Tự và Linh Sơn Tự.