Trong cuộc sống, chắc không ai muốn mình bị lừa gạt hay lợi dụng. Tuy vậy, chắc chắn rằng không ai, ít nhất một lần trong đời, không bị như thế. Khi bị lừa gạt hay lợi dụng, ta phải làm sao đây?
Thứ nhất, ta nên thương (nếu không thương được thì cũng không nên quá trách) người lừa gạt hay lợi dụng ta. Bởi vì suy cho cùng, người ta làm như vậy chẳng qua cũng là vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà thôi.
Xã hội có người sống rất thoải mái với đầy đủ điều kiện, nhưng cũng có người có hoàn cảnh rất khó khăn, phải làm lụng vất vả lắm mới đủ sống. Tôi biết rằng xã hội ngày nay có nhiều người không thật thà. Lòng tốt bị lợi dụng cho nên con người ngày càng trở nên vô cảm với hoàn cảnh bất hạnh.
Khi được cầu xin giúp đỡ, đôi khi ta cũng thấy lòng mình do dự. Tuy nhiên, nếu ai cũng sợ bị lừa gạt, lợi dụng mà không muốn giúp đỡ người khác nữa thì xã hội này sẽ tăm tối và lạnh lẽo lắm vì không có ngọn lửa tình thương. Tôi thấy có những người rất tốt, ngoại trừ họ biết chắc trường hợp lừa gạt, lợi dụng thì từ chối, còn trong hầu hết trường hợp, họ đều sẵn lòng giúp đỡ. Nếu giúp đỡ rồi mà phát hiện bị lừa gạt, lợi dụng thì họ cũng không buồn không giận, mà chỉ cười rằng: Giúp đỡ người khác không phải để chứng tỏ mình là người tốt mà chỉ muốn cho họ biết rằng trên đời này vẫn còn có người tốt, chứ không phải ai cũng xấu.
Nếu bị lừa gạt hay lợi dụng thì coi như mình đem tiền mua niềm tin vậy. Cũng rất đáng mà.
Thứ hai là khi bị lừa gạt hay lợi dụng, ta nên vui mừng vì bản thân mình chưa đến nỗi như thế. Chưa đến nỗi vì hai lý do. Một là mình chưa đến nỗi nghèo khó hay thiếu thốn để phải đi làm việc đó và hai là mình vẫn còn giữ được nhân cách và đạo đức dù có lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Người xưa rất coi trọng về đạo đức và khí tiết. Khổng Tử nói rằng: Quân tử cố giữ khí tiết lúc khốn cùng, tiểu nhân lúc khốn cùng thì làm bậy (Quân tử cố cùng, tiểu nhân cung tư lạm hỹ). Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Và ai đó cũng nói rằng: “Bạn có thể đánh mất mọi thứ nhưng không được đánh mất lòng tự trọng”.
Xã hội có biết bao người vì lợi mà quên nghĩa, vì tiền mà phạm pháp hay đánh mất nhân cách của mình, và dĩ nhiên là bị mọi người coi thường. Cho nên ta hãy mừng vì mình vẫn còn là một người chân chính, không kiếm sống bằng cách lừa gạt hay lợi dụng người khác như những người đã làm như thế với ta vậy.
Thứ ba là khi bị lừa gạt hay lợi dụng, ta nghĩ đến luật nhân quả mà không nên buồn giận hay than oán. Người lấy của ta thì hoặc là kiếp trước do ta đã lấy của người, hoặc là kiếp này họ vay ta thì họ sẽ trả lại ta ở kiếp sau.
Trong Sáu cửa vào động Thiếu thất (Trúc Thiên dịch), Tổ Bồ-đề-đạt-ma có dạy về Báo oán hạnh như sau: “Sao gọi là Báo oán hạnh? Người tu hành khi gặp cảnh khổ nên tự nghĩ như vầy: ‘Ta từ bao kiếp trước buông lung không học, bỏ gốc theo ngọn, trôi dạt theo vật chất, nặng lòng thương ghét, gây hại không cùng. Ðời nay tuy ta không phạm lỗi, nhưng nghiệp dữ đã gieo từ trước tới nay kết trái chín, điều ấy nào phải do trời hoặc người tạo ra đâu, vậy ta đành nhẫn nhục chịu khổ đừng nên oán trách’.
Kinh nói: ‘Gặp khổ không buồn. Vì sao vậy? Vì thấu suốt luật nhân quả vậy’. Khi tâm ấy đã sanh ấy là ứng hợp với lý. Mượn oán mà hành đạo nên nói là hạnh trả oán”.
Trong Hạt giống tâm hồn có kể một câu chuyện rằng, có anh sinh viên nghèo nọ lãnh được một số tiền lớn trong một cuộc thi. Vừa lúc đó có người phụ nữ ẵm một đứa bé đến nói rằng con cô ta bị ung thư cần tiền để trị bệnh. Anh liền cho cô ta hết số tiền đó của anh. Vài ngày sau có người đến nói với anh rằng anh đã bị gạt. Đứa bé đó không bị bệnh gì cả. Nghe nói vậy, anh sinh viên vui mừng ra mặt, hỏi lại rằng, “Thật sự đứa bé không bị bệnh ung thư sao? Vậy là tốt quá rồi”.
Vậy đó, một người có tâm hồn lương thiện sẽ không nghĩ đến sự mất mát của mình mà chỉ quan tâm đến điều tốt đẹp cho xã hội, cho người khác. Đã vậy thì đâu cần nói đến bị lừa gạt, lợi dụng hay không.
Hữu Huệ