Việc Đức Phật bảo mười đại đệ tử đến thăm Duy Ma có thật hay không, chúng ta gác qua một bên. Tôi nghĩ rằng kinh Duy Ma kiết tập sau khi Phật Niết bàn, hình thành ý thức trách nhiệm của Đại chúng bộ khác hẳn với ý tưởng xuất ly của Thượng tọa bộ.
Với kiến giải của Đại chúng bộ, Đức Phật là người cứu khổ, Ngài không còn trên cuộc đời, không trực tiếp cứu độ; nhưng Ngài ủy thác việc này cho chư Tăng thay Ngài đến với mọi người, được diễn tả bằng sự kiện Phật gọi mười đại đệ tử đến thăm bệnh Duy Ma.
Đệ tử Phật thay Phật thăm bệnh Duy Ma mang ý nghĩa chúng ta gánh vác trọng trách giải quyết vấn đề đau khổ của trần thế. Muốn giải quyết, hành giả phải nương theo pháp bảo Như Lai và sử dụng giáo pháp thích hợp để cứu lành bệnh cho nhân gian.
Đức Phật ủy thác mười vị Thanh văn đến thăm bệnh Duy Ma hay đó là sáu vấn đề quan trọng đặt ra cho chúng ta, khi tu hành phải triển khai cách nào cho lợi lạc bản thân và sáng đẹp cuộc đời. Sáu vấn đề đó là: tu Thiền, thuyết pháp, khất thực, giữ giới, xuất gia và nhận thức về Đức Phật.
Xá Lợi Phất từ chối thăm bệnh Duy Ma
Duy Ma chỉ trích Xá Lợi Phất ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây có phải là Thiền hay không, Thiền như vậy còn cách trí tuệ Phật xa lắm, v.v... Qua câu chuyện chất vấn của Duy Ma với Xá Lợi Phất gợi cho hành giả nhận thức thế nào là tu Thiền. Thiền là tĩnh lự, nghĩa là sự hiểu biết ở trong trạng thái yên tĩnh gọi là siêu thức, khác với hiểu biết qua ý thức của thế gian. Thiền của Đức Phật giúp chúng ta chẳng những thân khỏe, tâm không phiền não, mà đặc biệt là tâm hồn được yên tĩnh và sáng suốt để giải quyết mọi việc đúng đắn, tốt đẹp nhất. Vì thế, Duy Ma đề cao tâm chứng Thiền phát xuất từ sinh hoạt nội tâm và bác bỏ Thiền hình thức.
Duy Ma bảo Xá Lợi Phất, hay Thanh văn từ bỏ Thiền ngoại đạo để sống với Tam pháp ấn trong trạng thái tâm yên lặng, hoàn toàn hướng về Phật đạo. Hàng Thanh văn nghe pháp Phật xong, tập trung tư tưởng vào giáo lý Phật, để giáo lý bừng sáng trong lòng và phát triển khả năng hiểu biết của mình. Không phải ngồi yên rồi trở thành cây khô hay than nguội củi mục. Thanh văn Thiền hay Thiền thoại đầu đưa ra đề mục theo mẫu suy cứu có sẵn, lần hồi bước theo toàn bộ mẫu của Đức Phật trở thành A la hán.
Duy Ma cũng nhắc Xá Lợi Phất rằng Thiền không phải là tránh chỗ ồn ào tìm nơi thanh tịnh. Thanh tịnh hay không là cốt lõi ở tâm. Cảnh dù có yên tĩnh đến đâu, nhưng khi tâm dao động, thì cũng khó định được. Giống như Xá Lợi Phất vừa trải tọa cụ ngồi thiền ở nơi thanh vắng, liền bị Duy Ma xuất hiện quấy phá. Xá Lợi Phất không thể vào định nổi.
Duy Ma cảnh giác Xá Lợi Phất không nên đi theo lối mòn bỏ động tìm tịnh của hàng sơ tâm học đạo, sẽ uổng phí cho người có trí tuệ như Xá Lợi Phất. Sai lầm của Xá Lợi Phất là sai lầm trong Thiền định, giữ ngài ở vị trí A la hán, không thành Phật. Ngài chỉ phát huệ một chiều nghĩa là huệ giới hạn, khác với Phật huệ thì vô cùng, có khả năng điều động toàn bộ Pháp giới.
Sau khi chứng Niết bàn Tiểu thừa theo pháp tu Thiền của Thanh văn, Duy Ma dạy pháp tu Thiền của Bồ tát. Tiêu biểu cho mẫu Bồ tát thực hành Thiền định đúng pháp là Ngài Duy Ma. Duy Ma tuy thực hiện đầy đủ mọi việc làm ở thế gian một cách tốt đẹp, tâm vẫn trụ chánh định. Không lúc nào tâm Duy Ma không thanh tịnh và rời giải thoát. Ngài không tu Thiền để chết lần về thế giới u tịch. An trú trong Thiền định, Duy Ma vẫn hiện hữu trên cuộc đời, bước trên Bát chánh đạo dưới dạng đại bi tâm, sửa đổi những sai lầm của Thanh văn, dìu dắt họ từ tâm niệm Tiểu thừa sang phát tâm Đại thừa.
Mục Kiền Liên từ chối thăm bệnh Duy Ma
Trước khi vào thành Tỳ Da Ly, ngài gặp các con của trưởng giả và nói cho họ nghe sở đắc mà ngài chứng ngộ trong Thiền định. Nhưng họ đã bỏ đi và Duy Ma xuất hiện đúng lúc như người bạn tâm đắc của Mục Kiền Liên.
Sự thật không phải Mục Kiền Liên không dám thăm bệnh Duy Ma. Ý này của Đại chúng bộ ngầm ám chỉ sau Phật Niết bàn, chư Tăng hay Thượng tọa bộ mang ý tưởng tách rời thế gian, không chịu dấn thân vào đời, vì nhận thức kém hơn thế gian. Chỉ trích này của Đại chúng bộ cũng dễ hiểu. Khi chúng ta nghiên cứu lịch sử triết học Ấn Độ, nhận thấy rõ sau Phật Niết bàn, hàng tu sĩ Phật giáo không kham lãnh việc giáo hóa, vì lạc hậu hơn người, hiểu biết thua kém người.
Duy Ma khẳng định rằng thuyết pháp phải chú trọng đến trình độ của người nghe và phải đáp ứng được yêu cầu của đại chúng, giúp họ phát triển tâm Bồ đề. Nhận thấy họ thuộc giới kinh doanh, Duy Ma dạy pháp tạo ra nhiều của cải và dùng tài sản này làm lợi ích cho chúng sinh. Khi nghe Duy Ma giảng như vậy, họ liền phát tâm Đại thừa, cố gắng làm việc tốt để nâng cao đời sống hạnh phúc cho họ và cho mọi người. Duy Ma gợi cho họ hình ảnh của Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời, chỉ nhằm làm vơi bớt khổ đau của chúng sinh và tăng thêm an lạc cho mọi người.
Ca Chiên Diên từ chối thăm bệnh Duy Ma
Ca Chiên Diên là nghị luận đệ nhất A la hán. Trước kia, ngài giảng pháp vô thường, khổ, không, vô ngã và lập thành hệ thống lý luận có bài bản. Một hôm, ngài gặp các thanh niên, con của trưởng giả, đem nguyên văn này trình bày, liền bị họ bác bỏ.
Duy Ma xuất hiện để gỡ rối cho Ca Chiên Diên, không phải đến để hạ ông. Ca Chiên Diên phạm lỗi lầm là giảng giải theo hình thức. Điều này nhằm diễn tả sau Phật diệt độ, các Tỳ kheo lớn tuổi theo chủ nghĩa hình thức, giáo điều, thường buộc mọi người sống theo khuôn mẫu có sẵn. Lối thuyết pháp này, hay nói rộng hơn, lối tu theo mẫu cố định chẳng những không có tác dụng, đôi khi còn phản tác dụng. Vì lịch sử không bao giờ tái diễn như cũ. Chúng ta học đạo, nghe nhiều; nhưng phải biết kết hợp với nhận thức của riêng mình để phát huy trí tuệ rồi tùy nghi ứng xử cho có kết quả tốt.
Duy Ma chỉnh Ca Chiên Diên tán dương Niết bàn tịch tĩnh cho những người đầy nhiệt tình xây dựng xã hội, thì thật là sai lầm. Sở dĩ Đức Phật nói pháp vô thường, khổ, không, vô ngã để phù hợp với tâm niệm của những người bất lực chán đời. Còn những người đang hướng về tương lai tươi sáng trước mắt, mà ta nói pháp vô thường, tất nhiên họ sẽ chống ta.
Duy Ma gợi nhắc Ca Chiên Diên nên phân biệt căn tánh của đối tượng nghe pháp. Những người căn tánh Đại thừa, mang chí lớn muốn xây dựng phát triển xã hội, phải chắp cánh cho họ thăng hoa. Hay nói cách khác, đây là tư tưởng tiến bộ của Đại chúng bộ chống lại tư duy hình phạm cố định của Thượng tọa bộ.
Duy Ma triển khai pháp vô thường, vô ngã để lớp người trẻ nghe, họ không thấy chán đời, không trốn đời. Ngài không nói vô thường để dẫn đến không có gì hết. Duy Ma cho biết tất cả các pháp sinh diệt mang tính chất vô thường, luôn thay đổi; nhưng trong sinh diệt, Đức Phật tìm được cái không sinh diệt. Không phải vô thường rồi mất luôn. Nói vô thường để tìm thấy cái thường còn. Tìm cái chân thường trong vô thường, tìm cái không biến đổi trong cái biến đổi, tìm Niết bàn trong sinh tử. Đó chính là pháp Phật.
Phú Lâu Na từ chối thăm bệnh Duy Ma
Phú Lâu Na kể lại trước kia ngài thuyết pháp cho hàng tân học Tỳ kheo về các pháp căn bản, Duy Ma xuất hiện bảo ông đừng đem đồ ô uế đựng vào bát lưu ly, đừng lấy nước bốn biển đổ vào lỗ chân trâu. Nghĩa là đừng lấy pháp nhỏ dạy cho người có tâm hồn rộng lớn.
Duy Ma có chỉnh Phú Lâu Na thật hay không, là việc ngoài tầm tay của chúng ta. Theo tôi, đây là ý niệm của những người trí thức trẻ tuổi đầy nhiệt tình của Đại chúng bộ phải chịu đựng sức đè nặng của lớp cha anh bảo thủ. Họ muốn bung lên để phát triển, không bằng lòng học và làm những gì không còn thích hợp, không chấp nhận được.
Duy Ma chỉnh Phú Lâu Na là bậc Pháp sư đệ nhất, thuyết pháp mà không quan sát được căn tánh hành nghiệp của Tỳ kheo, vô tình phá hư hạnh của họ. Muốn dạy người, phải biết rõ căn cơ của họ; đừng căn cứ vào hình thức mới tu, còn nhỏ. Vì trên dòng sinh mệnh tương tục của Bồ tát, trong kiếp luân hồi nhân quả, nay tái sinh lại, tuy mới tu còn nhỏ tuổi; nhưng công đức và yếu tố Bồ đề của họ đã được un đúc từ nhiều đời quá khứ. Không thể đặt họ ngang bằng với người lớn tuổi tu trước, nhưng thật ra chỉ mới tu trong đời này.
Người đồng tu hay người đi trước hư hạnh, bị Duy Ma ví như đồ ô uế và tâm của người mới xuất gia vào đạo trong sạch ví như bát lưu ly. Thói hư tật xấu của người trước đập vào mắt, ăn sâu vào tim người mới vào đạo. Duy Ma xem đó như đồ ô uế để vào bát lưu ly. Điều này Duy Ma nhắc người xuất gia phải luôn luôn thể hiện đời sống kiểu mẫu phạm hạnh. Đó chính là thuyết pháp.
Ca Diếp và Tu Bồ Đề từ chối thăm bệnh Duy Ma
Ca Diếp và Tu Bồ Đề có chung một hạnh khất thực. Ca Diếp chuyên khất thực xóm nghèo. Tu Bồ Đề ngược lại, chỉ đến nhà giàu khất thực. Kinh Duy Ma mượn hai nhân vật Ca Diếp và Tu Bồ Đề để chỉnh lại ý niệm sai lầm rằng khất thực thì thành đạo, không khất thực không phải người tu.
Chúng ta xét lại việc hành đạo của Đức Phật để xem Ngài có quan niệm rằng khất thực là cứu cánh hay không. Trước hết, thấy rõ Đức Phật sử dụng nó như phương tiện để gần gũi hàng Sa môn. Đi khất thực như Đức Phật không phải đi xin ăn. Ngài sống trong Thiền định, không cần ăn; nhưng Đức Phật vào đời và sử dụng khất thực như một pháp tu, một phương tiện để tạo mối quan hệ với người đời. Lần lần, Ngài giáo hóa, dìu dắt họ tiến trên con đường thánh thiện. Vì vậy trước khi đi khất thực, Ngài quán sát nhân duyên xem nên đến độ ai và dùng pháp gì để độ.
Ca Diếp tiêu biểu cho đầu đà đệ nhất A la hán. Đầu đà nghĩa là khổ hạnh, ngài lập hạnh xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Ca Diếp nói với Đức Phật rằng lòng ngài điềm đạm vô dục, không có mong muốn nào cả và đi vào xóm nghèo khất thực.
Ngay khi đó gặp Duy Ma vặn hỏi Ca Diếp thật sự có lòng từ bi rộng lớn, thương người nghèo hay không. Khất thực như vậy có trái với nghĩa vô dục hay không. Vô dục thì phải bình đẳng khất thực, không khởi ý nghĩ giàu nghèo; còn ham muốn đến chỗ nghèo, là đã rớt qua dục mà cứ tưởng là vô dục. Đạo Phật là đạo bình đẳng, đạo trí tuệ. Đức Phật trải tình thương khắp mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Ai có duyên với Ngài đều được tế độ; từ bà già ăn mày cho đến vua có quyền thế nhất, Ngài đều không từ bỏ.
Ca Diếp xuất thân giai cấp giàu có, bỏ địa vị giàu sang, xuất gia và thích độ người nghèo để thấy mình cao cả. Như vậy, tâm Ca Diếp đã kẹt vào pháp. Duy Ma hỏi Ca Diếp có nên từ bỏ người giàu chăng và từ bỏ có đúng không. Vì biết khéo sử dụng người giàu tri thức và giàu của cải, họ sẽ đóng góp nhiều lợi lạc cho nhân quần xã hội.
Duy Ma chất vấn Ca Diếp rằng ngài là người cao cả đức hạnh, ai cũng quý trọng. Ngài từ bỏ tất cả, nhưng nay tại sao lại ôm bình đi xin ăn. Ngài có nghĩ khất thực sẽ thiệt hại lớn cho việc tu hành và giáo hóa của ngài hay không. Đến đây, Duy Ma gợi cho Ca Diếp mục tiêu khất thực. Theo Duy Ma, không vì kéo dài mạng sống mà ăn, là ý nghĩa của pháp đầu đà. Vì ăn mà khất thực chẳng khác gì ăn mày. Vì sống để ăn chẳng khác gì phàm phu, làm sao có thể xem là đệ nhất A la hán.
Theo Phật, người khất thực không cầu món ăn, nhưng cầu giải thoát, cầu pháp hỷ thực và Thiền duyệt thực, tinh tấn tu hành để đắc đạo, đắc pháp, không còn bị trói buộc trong Tam giới. Nhờ Duy Ma chất vấn, Ca Diếp tìm được ý nghĩa pháp tu khổ hạnh, ý nghĩa của việc vào làng khất thực.
Đối với Tu Bồ Đề là A la hán giải Không bậc nhất, Duy Ma khuyên rằng người trí phải hiểu được nghĩa lý của việc mình làm. Tu Bồ Đề không nghĩ gì, nhưng tại sao lại đến nhà giàu của Duy Ma khất thực. Giải thích rằng ngẫu nhiên đến là Tu Bồ Đề đã lạc qua ngoại đạo. Còn đến mà không nghĩ gì thì không đúng.
Duy Ma chỉnh lại kiến giải Không của Tu Bồ Đề. Giải Không nghĩa là khi chạm phải thực tế cuộc đời, mọi việc phải giải quyết dứt khoát viên mãn, không tồn tại trong lòng thắc mắc buồn phiền. Một Tỳ kheo đúng nghĩa vào làng khất thực, mang hình bóng, lời nói, tâm niệm đều giải thoát, khiến cho người cũng thanh tịnh theo.
Lời chất vấn của Duy Ma với Tu Bồ Đề hay Ca Diếp không phải phát xuất từ một ông Duy Ma bên ngoài. Theo tôi, trên cuộc đời có hai Đức Phật, một Đức Phật Thích Ca ở bên ngoài và một vị Phật thứ hai ở trong lòng chúng ta. Duy Ma không ai khác hơn là bản tâm thanh tịnh của chính chúng ta. Lòng chúng ta thật yên tĩnh, phiền não trần lao không xâm nhập, mới lắng nghe được tiếng nói chân tình phát xuất từ đáy lòng phê phán chính mình và tùy theo đó, ta điều chỉnh cho đúng Chánh pháp. Những điều Duy Ma phê phán là những gì mà tâm vương của chúng ta phát hiện; hay nói cách khác, là lẽ chân thật giúp chúng ta thăng hoa trên đường đạo.
A Na Luật, Ưu Ba Ly, La Hầu La và A Nan lần lượt từ chối thăm bệnh Duy Ma
A Na Luật hay A Nâu Lâu Đà là thiên nhãn đệ nhất A la hán. Tầm nhìn sự vật, phân tích sự vật, không ai vượt qua ngài. A Na Luật quán sát sự vật bằng tâm, không bằng mắt, dùng trí rọi qua chân lý, không rọi qua cảnh. Một hôm, ngài vừa tham Thiền, vừa kinh hành, thấy thế giới Phạm Thiên hiện ra và nghe Phạm Thiên hỏi: “Thiên nhãn của ngài thấy xa được bao nhiêu?”. A Na Luật trả lời ngài quán sát thấy rõ tất cả mọi vật như thấy trái cam trong lòng bàn tay. Lúc đó Duy Ma Cật xuất hiện.
Duy Ma không phải là người bên ngoài, nhưng là người từ thế giới thuần tịnh đến, hay là một hiện thân của Đức Phật để giáo hóa. Duy Ma Cật nghĩa là bản tâm thanh tịnh, tức tu hành đạt đến trạng thái bình ổn cao nhất, tự đáy lòng ta hiện lên tiếng nói của Duy Ma. Vì vậy, Duy Ma không nói với người ngoài, chỉ nói với người tu cao. Duy Ma nói với A Na Luật là người mù ở thế gian, nhưng ngài rất sáng ở chân lý.
Duy Ma chỉ trích A Na Luật rằng nếu thấy thế giới bằng hình tướng thì thuộc giả tướng, tức dùng tâm sinh diệt thấy pháp sinh diệt. Cả hai nằm trong tướng vô thường là sinh diệt. Như vậy, đâu đáng gọi là Phật pháp. Nếu thấy dưới dạng thể, thì tánh thấy và vật bị thấy là một, nên phải nói không thấy. Còn nói thấy thì rớt qua nhị nguyên. Không thấy mà thấy là cái thấy vượt thế gian, là xuất thế gian. Nói cách khác, vượt hiện tượng giới và bản thể, một cái thấy chỉ có Đức Phật Thích Ca sau 49 ngày tư duy ở Bồ Đề Đạo Tràng chứng nghiệm được.
Tiếp theo, Ưu Ba Ly là trì luật đệ nhất A la hán, thích sống khuôn mẫu nên dễ rớt vào giới điều. Ông chấp chặt giới luật trong việc xét xử hai Tỳ kheo và bị Duy Ma chỉnh lý, nay khiếp sợ không dám đến thăm bệnh Duy Ma.
Có hai Tỳ kheo phạm giới, xấu hổ, không dám thưa với Đức Phật, liền đến hỏi Ưu Ba Ly phải sám hối bằng cách nào. Ưu Ba Ly đưa ra chúng xét xử và đuổi khỏi Tăng đoàn. Hai thầy Tỳ kheo thất vọng quá, đúng lúc đó Duy Ma đến, nghĩa là lương tâm con người sống dậy. Khi họ phạm lỗi, Ưu Ba Ly muốn xử nặng để làm gương; nhưng thấy họ khổ lại thương, lòng thương từ chơn tâm hiện ra là hình ảnh Duy Ma xuất hiện. Hay có thể nói Duy Ma này là bản tâm thanh tịnh của Ưu Ba Ly khởi lên, nhắc nhở ông một tình huống nào cũng có mặt lý và mặt tình không giống nhau, phải cân nhắc suy xét cho kỹ.
Duy Ma xuất hiện giải tỏa khó khăn cho Ưu Ba Ly trong việc áp dụng giới. Duy Ma nói với Ưu Ba Ly tuy hai Tỳ kheo có tội, nhưng ông đừng tròng cho họ thêm một tội thứ hai. Giới để ngăn ngừa tội, nhưng nếu lỡ phạm tội thì phải tùy theo đó mà ngăn tội kế tiếp. Không phải xét xử để đưa họ đến phạm tội khác. Chuyện tội lỗi chỉ có hai Tỳ kheo và Ưu Ba Ly biết. Ông nên dùng trí tuệ xóa đi. Tại sao lại đem phơi bày cho cả trăm người biết, làm cho đại chúng có ấn tượng xấu đối với hai Tỳ kheo kia.
Ưu Ba Ly tiêu biểu cho người giữ giới hình thức, nên Duy Ma xuất hiện để phát triển phần nội dung; vì đôi khi hình thức rườm rà giết chết nội dung quan trọng. Duy Ma nhắc rằng cứu cánh của người tu hành nhằm đạt tới Phật quả, còn giới chỉ là phương tiện giúp ta đắc đạo, không phải lấy giới ràng buộc để cột cứng ta lại, chẳng làm được gì.
Hai vị Tỳ kheo nghe Duy Ma giảng xong liền phát tâm Bồ đề. Trên bước đường tu hành, chúng ta lưu ý đừng để việc trì luật làm khổ mình và người. Cần nhận chân được Phật pháp chỉ có một vị giải thoát và tội tánh Không; vì thế, ta tạo nghiệp đều do ảo giác. Bao giờ chúng ta chuyển được tâm hoàn toàn thanh tịnh, trí tuệ bừng sáng thì tội tự mất. Bồ đề tâm phát, tội tự tiêu, giống như mặt trời lên, bóng tối tan đi. Đạt được tâm địa này, chúng ta có thể chuyển hóa người hết phiền não nhiễm ô và được thanh tịnh.
La Hầu La mật hạnh đệ nhất A la hán, cũng vấp phải lỗi lầm về quan niệm xuất gia khi ngài khuyên các vương tử ở thành Tỳ Da Ly xuất gia để được công đức.
Có Duy Ma và La Hầu La nói chuyện thật hay không, không quan trọng. Đối với tôi, đây là vấn đề xuất gia đặt ra cho chúng ta suy nghĩ. Tư tưởng Duy Ma nhằm chỉnh lý sai lầm của chúng ta về vấn đề xuất gia bằng cách mượn nhận thức sai lầm của một số người gán lên cho La Hầu La để chỉ chúng ta thế nào là xuất gia đúng pháp.
Người quan niệm xuất gia có phước đức rồi xuất gia, là lạc vào sai lầm lớn. Họ vì lợi xuất gia. Kẹt vào lợi có khác gì phát xuất từ lòng tham, thuộc nghiệp và phiền não, quả báo chắc chắn sẽ đến. Duy Ma khẳng định xuất gia không có công đức. Xuất gia là hy sinh để làm chuyện khó khăn hơn. Vì có gia đình, chúng ta bị ràng buộc trong môi trường nhỏ hẹp, ý chí không tung hoành ngang dọc được. Vì ấp ủ tình thương bao la, muốn ôm cả vũ trụ vào lòng. Vì không trông coi gia đình nhỏ bé, mà muốn điều động cả thiên nhiên. Rời xa cha mẹ, người thân để bao phủ tình thương cho muôn loài. Tất cả những điều này đều khó làm, thuộc vô vi pháp, khởi lên từ những tâm hồn hướng thượng cao cả, từ chối quyền lợi thế gian đạt đến siêu xuất thế gian.
Duy Ma vẽ ra cho hành giả lộ trình của người xuất gia đúng Chánh pháp là xuất thế tục, xuất phiền não và xuất tam giới; vì ba trạng thái sống này trói chặt chúng ta trầm luân sinh tử trong tam giới. Người xuất gia phải chuyển đổi ngũ uẩn thân thành ngũ phần Pháp thân, để thấy chính xác mọi việc, cũng như vận dụng được mọi pháp một cách tự tại, không còn bị trói buộc trong sinh tử luân hồi. Đây là điểm cao nhất của lộ trình xuất gia.
A Nan đa văn đệ nhất A la hán, nghe và nhớ hết lời Phật dạy. Ngài nghe Phật nói không khỏe nên đến Bà la môn xin sữa cho Đức Phật. Duy Ma xuất hiện chỉnh A Nan, bảo ông nên yên lặng, đừng để chư Thiên và Bồ tát mười phương nghe lời nói ấy. Ông nghĩ về Phật thế nào, mà nói Ngài bệnh. Chuyển luân vương phước báo chưa bao nhiêu còn không tật bệnh. Như Lai có thân kim cang, các ác đã dứt, các lành tròn đủ, làm sao bệnh được.
Đây là quan niệm trái ngược với quan niệm nguyên thủy. Giáo lý nguyên thủy nói đến Phật là nhắc đến sanh thân Đức Phật Thích Ca tu hành, thành Phật, thuyết pháp và 80 tuổi chết. Nhưng kinh Duy Ma mở màn cho kiến giải Đại thừa nhìn về Đức Phật qua tinh thần, qua lý tưởng cao đẹp của Ngài. Đức Phật cũng là con người, nhưng khác mọi người ở điểm Ngài thành đạo. Thành đạo đồng nghĩa với tìm ra chân lý. Trong thân tứ đại của Phật hàm chứa điều cao quý, đó là chân lý. Chân lý thì làm sao sinh già bệnh chết được. Đức Phật thể hiện trí tuệ tuyệt vời, tức Pháp thân bất sinh bất diệt và thân Phật còn kết tụ bằng đạo hạnh làm lợi ích cho vô số quần sanh, gọi là Báo thân. Duy Ma bảo A Nan nhìn Phật qua Pháp thân và Báo thân, thì làm gì có bệnh.
Với con người A Nan bằng xương thịt nghe Phật nói sao ghi y vậy là kinh Nguyên thủy. Tiến lên, A Nan bằng tư duy nghe Phật thuyết, suy nghĩ và kiết tập lại là kinh Duy Ma. Ở đây mượn sai lầm của tu sĩ Thượng tọa bộ đem gán lên cho A Nan để nhắc nhở hành giả học giáo lý, phải suy nghĩ và ứng dụng vào cuộc sống, ngõ hầu nắm bắt được Pháp thân và Báo thân Phật tồn tại mãi trong thời gian vô tận và không gian vô cùng.
KẾT LUẬN
Tóm lại, mười vị đại đệ tử tiêu biểu cho mười hạnh tu của Đức Phật, gợi cho chúng ta nhận thức tu hành thế nào đúng Chánh pháp. Mỗi vị chuyên tu một pháp, suốt đời chỉ rèn luyện một hạnh mà còn vấp phải sai lầm. Huống chi chúng ta thực hiện nhiều hạnh, chắc hẳn sẽ lạc vào sai trái, khó đắc quả.
Mới đọc qua kinh Duy Ma, chúng ta nhận thấy giá trị của Tỳ kheo thấp. Mười vị đại đệ tử đều lãnh đạo đại chúng, nhưng vẫn bị Duy Ma chê trách. Vì vậy dưới cái nhìn của Tiểu thừa, họ cho rằng kinh này bôi nhọ chư Tăng. Làm gì có chư Tăng thấp kém hơn cư sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế, điển hình tôi thấy cụ Lê Đình Thám, một nhân vật rất gần chúng ta. Ngài là thầy của các vị danh Tăng như Hòa Thượng Mật Hiển, Hòa thượng Mật Nguyện, Hòa thượng Trí Thủ, Thiện Hoa, Thiện Hòa, v.v...
Nhận thức của chúng xuất gia không chính xác bằng cư sĩ, gợi cho tôi liên tưởng đến hình ảnh Duy Ma là hiện thân của Đức Phật. Ngài chỉnh lý mười đại đệ tử để khích lệ chúng xuất gia nỗ lực phát triển đạo đức và tri thức, loại bỏ tánh tự mãn ngõ hầu thăng hoa trên bước đường tu. Nếu không, chúng xuất gia sẽ dễ dàng vấp ngã trong đời ngũ trược ác thế này.
Dưới tầm nhìn của Đại thừa lấy tri thức làm nền tảng quyết định. Hình thức bên ngoài mang thân cư sĩ hay xuất gia không thành vấn đề. Nhận thức của chúng ta ở tầm mức nào và chúng ta thành tựu được lợi ích gì cho xã hội, cho nhân loại. Chỉ có sự đóng góp này quyết định giá trị của chúng ta trên cuộc đời.
Kinh Duy Ma không có kinh Pháp Hoa phụ đính, chúng ta dễ hiểu sai lầm. Kinh Pháp Hoa cho thấy các đại đệ tử Phật không dở, không thua bất cứ người nào, chứ không riêng gì cư sĩ. Có thể nói các ngài giả bộ thua, để tạo thành tấm gương cho hàng Tăng thượng mạn Tỳ kheo khiếp sợ, nỗ lực tu học. Điển hình như Ca Diếp có lần được Phật nhường cho ngài nửa tòa ngồi, thì làm sao Ca Diếp có thể thua được. Hoặc ngài Phú Lâu Na đã từng ở 90 ức Phật quá khứ hộ trì trợ tuyên Chánh pháp của Như Lai. Trong hiện tại và trong hiền kiếp về tương lai, ngài cũng là bậc nhất. Hay ngài A Nan đã từng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác với Đức Phật Thích Ca từ thời Phật Không Vương. Thật sự, những vị này không phải thuộc hàng Thanh văn tầm thường. Kinh Pháp Hoa cũng xác định nếu Đức Phật nói tất cả sự thật này, mọi người sẽ khiếp sợ không dám tu.
Đệ tử Phật thua Duy Ma, vì ý của Đức Phật muốn vậy, gọi là phương tiện của Ngài. Đức Phật sắp xếp cho họ thất bại, đẩy họ vào đường cùng để phát sinh trí tuệ, đưa ra bài học giáo hóa sống động cho mọi người.
Mười đại đệ tử thể hiện pháp tu Thanh văn, nhưng thật sự các ngài có căn tánh Đại thừa. Xuất hiện trên sân khấu cuộc đời, đối trước những người mang tâm niệm chán đời, các ngài phải khoác chiếc áo yếm thế để giáo hóa, lần khai ngộ cho họ. Sự thật tâm hồn các ngài thật cao thượng, đã cùng với Đức Phật dấn thân trên vạn nẻo đường đời, tích cực trợ lực với Phật trong việc tuyên dương Chánh pháp, mới tạo được uy tín rộng lớn cho Tăng đoàn thời bấy giờ. Công đức, hạnh nguyện và trí tuệ của các vị đại đệ tử như Đức Phật xác định trong kinh Pháp Hoa rằng ngoài Đức Như Lai, không ai có thể thấu biết được.
HT. Thích Trí Quảng