duyms.gifKinh Duy Ma đưa ra bốn vị Bồ tát tiêu biểu phạm phải những hành động sai lầm khi bước vào lộ trình Bồ tát và bị Duy Ma chỉnh lý. Vì vậy, khi Đức Phật bảo các vị này đến thăm bệnh Duy Ma, các Ngài đã từ chối.  Bốn vị Bồ tát này là Di Lặc, Quang Nghiêm, Trì Thế và Thiện Đức. Các Ngài tiêu biểu cho tất cả hạnh Bồ tát từ khởi đầu đến kết thúc, không phải chỉ là bốn người riêng biệt.


Di Lặc Bồ tát từ chối thăm bệnh Duy Ma



Chúng ta còn nhớ Đức Phật có tam “Bất năng” là ba điều không làm được, một trong ba điều đó là Phật không thể độ những người không có duyên với Ngài. Công việc giáo hóa chúng sinh của Đức Phật đã hoàn tất, giống như công việc của lương y đã cho thuốc hay. Việc uống thuốc để mạnh khỏe thuộc về chúng sinh. Ai uống tự lành. Không uống, thì cứ ôm bệnh gào khóc. Khả năng giáo hóa của Bồ tát cũng không nằm ngoài quy luật này. Bồ tát Di Lặc thưa với Đức Thích Ca rằng không dám gặp Duy Ma hay nói lên ý nghĩa “Bất năng”, độ hết không được.
duyms.gif
Tâm đau khổ và tâm thanh tịnh của chúng ta được hình thành bằng thế giới Đâu Suất nội viện và Đâu Suất ngoại viện. Hoặc điều ấy diễn tả thế giới Phật ở hai mặt “Năng” và “Bất năng”. “Năng” là ở trong nội viện hay trong bản tâm thanh tịnh. “Bất năng” là ở ngoại viện hay hiện tượng giới bên ngoài. Đối với hiện tượng giới bên ngoài, hành giả không làm gì khác hơn được. Nhưng về mặt bản tâm thanh tịnh, hành giả ở bất cứ tình huống nào mà không được giải thoát.
Đức Phật muốn giới thiệu thế giới thanh tịnh bản tâm, nên gọi Bồ tát Di Lặc đi thăm bệnh Duy Ma; nghĩa là từ thế giới nội viện đi ra thế giới ngoại viện. Ở ngoại viện thì “Bất năng” không kham nổi, nhưng vào nội viện, Bồ tát Di Lặc vẫn tiếp tục giáo hóa chư Thiên.
Trong kinh điển Pàli chỉ có Bồ tát Di Lặc được thọ ký thành Phật. Ngài là Bồ tát từ nhân hướng quả tu thành Phật để xác định rằng đệ tử Phật nếu tiến đúng lộ trình tu Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, đầy đủ đạo hạnh cũng thành Phật. Không phải chỉ có Đức Phật tu hành mới thành Phật như đại chúng thường nghĩ lầm. Đức Phật cho biết từ vô lượng kiếp Bồ tát Di Lặc tu tâm từ, đạt đến đại định, hiện tướng hoan hỷ, ai thấy cũng thương. Đức Phật chọn mẫu Bồ tát Di Lặc như vậy làm người thừa kế, tất nhiên không ai thắc mắc.
Chư Thiên đang nghe Di Lặc giảng đạo Bồ tát thì Duy Ma xuất hiện khuấy phá. Điều này gợi nhắc chúng ta sẽ gặp phiền não của “Tịnh” khi bước vào thế giới tâm linh, thường được gọi là trần sa vô minh hoặc. Duy Ma viếng Di Lặc trong lúc Ngài đang tịnh. Nói cách khác, Di Lặc chỉ bắt gặp Duy Ma trong định mà thôi. Theo tôi, đây là từ tâm nói chuyện với tịnh tâm, nghĩa là ở trạng thái yên tĩnh của Thiền định, từng sở đắc của chúng ta trong quá trình hành Bồ tát đạo tích lũy thành công đức, tự nó từ từ hiện lên lúc ta ngồi yên. Còn lăn xả vào đời, chuyện đời cứ chồng chất nhồi thêm dày đặc, tất nhiên cái cũ khó hiện ra.
Trước khi Bồ tát Di Lặc thành Phật, lần cuối phải giải quyết phần công đức tồn đọng, xả bỏ tất cả. Di Lặc gặp Duy Ma khuấy phá để nói lên ý nghĩa từ hiện tượng giới bên ngoài tích lũy công đức dưới dạng Bồ tát Báo thân, cần xả hết, để thành Phật chứng được Pháp thân thanh tịnh. Lúc ấy, trần lao và Pháp giới nhập làm một, trụ ở bản thể mà hành đạo trên thế gian mới không vấp ngã vì chướng ngại. Còn hoàn toàn ở trên sinh diệt của cuộc đời mà hành đạo, chúng ta khó bề vượt khỏi trùng trùng điệp điệp chướng ngại bao vây nối tiếp nhau. Đó là cuộc vấn đáp giữa Duy Ma và Di Lặc hay giữa từ tâm và tịnh tâm mà chúng ta nghe được. 
Đức Phật thọ ký cho Di Lặc Bồ tát thành Phật, là người thừa kế Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ. Vấn đề này gợi cho chúng ta suy nghĩ thừa kế Thích Ca về vật chất hay tinh thần. Thừa kế tinh thần, thì không cần thọ ký. Người nào có đủ tư cách thay thế Phật trên thế gian, người đó là thừa kế, không riêng gì  Bồ tát Di Lặc. Thừa kế vật chất nằm trên sinh diệt dễ đi đến sụp đổ và phá sản, chùa cao Phật lớn sẽ trở thành mối tranh chấp quyền lợi trong nhà lửa tam giới.
Nghe Đức Thích Ca thọ ký cho Di Lặc một đời thành Phật, Duy Ma bắt đầu suy nghĩ, nghĩa là từ bản tâm của ta tự chất vấn ta, một đời thành Phật là đời nào. Một đời trên sinh diệt môn luôn luôn biến đổi, có gì đáng cho ta quan tâm. Và cuộc đời hạn cuộc trong một lần sinh, một lần chết, thì Duy Ma chẳng muốn được thành Phật làm gì.
 Một đời theo Đại thừa đánh dấu từ khi phát tâm Bồ đề, từng kiếp tu hành cho đến thành Phật giống như xâu chuỗi có nhiều hạt. Mỗi hạt tượng trưng cho một lần Bồ tát thay đổi xác thân. Và sinh mệnh tương tục của Bồ tát là sợi dây nối liền các chuỗi lại không gián đoạn. Tuy nhiên, Bồ tát không lấy tứ đại ngũ uẩn làm sinh mệnh. Vì đứng ở lập trường Bồ tát, tứ đại này không khác gì chiếc áo bên ngoài, tâm Bồ đề bên trong mới thật là sinh mệnh của Bồ tát.
Hàng nhị thừa hiểu lầm Di Lặc được thọ ký lên Đâu Suất và sau đó  xuống Ta bà thành Phật. Cách hiểu này không đúng. Theo Đại thừa, thành Phật hay không là do quá trình tu tập của hành giả. Đức Phật thọ ký cho Bồ tát từ nhân hướng quả, để xác định quá trình tu Bồ tát đạo, Bồ tát xả vô số sanh thân, trải qua vô số sinh mệnh tương tục, tiến đến thành tựu Báo thân, chứng Pháp thân, thâm nhập Pháp giới mới thành Phật. Lúc ấy, Báo thân của Bồ tát tu chứng sát nhập vô Pháp thân thường hằng, để trở thành diệu dụng của Bồ tát ứng xử lợi lạc trong mọi tình huống. Đó là quá trình Bồ tát phải trải qua để được thọ ký. Không phải được thọ ký thành Phật là thành Phật liền.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý rằng không phải thân ngũ uẩn thành Phật. Tuy nhiên, bỏ ngũ uẩn, chúng ta cũng không thành Phật được. Trên bước đường tu, sử dụng ngũ uẩn thân để đoạn phiền não. Phiền não xóa sạch, chơn tâm hay Pháp thân thường trú sẽ hiển hiện. Thiền tông thường ví chơn tâm như gương bị bụi ngũ uẩn ngăn che. Nếu lau sạch bụi ngũ uẩn, chơn tâm tự hiện. Đó là ý nghĩa Phật thọ ký cho Di Lặc.
Quang Nghiêm Đồng tử từ chối thăm bệnh Duy Ma
Bồ tát Quang Nghiêm trong sạch, nhưng quan niệm sai lầm về vấn đề trong sạch đến mức cách biệt trần thế. Ông tưởng rằng xa cuộc đời sẽ thấy đạo; nhưng sau cùng, cũng không nắm bắt được chân lý. Phải nhờ Duy Ma điều chỉnh để ông thấy Bồ Đề Đạo Tràng, tức thấy Phật. Thật vậy, khi chúng ta hướng về giải thoát quá mạnh, thường vấp phải khuyết điểm lúc trở về thực tế dễ trở thành ngây ngô. Kinh Viên Giác nhắc chúng ta Phật pháp bất ly thế gian giác để khỏi rơi vào sai lầm này.
Bồ tát Quang Nghiêm gặp Duy Ma để chứng nghiệm pháp hành đạo hoàn toàn tự tại giải thoát. Bồ tát hiện thân trên cuộc đời dưới dạng sen tỏa hương trong vũng bùn, lúc nào cũng tỉnh táo quan sát sự vật. Quan sát xem sen hút bùn như thế nào để tỏa hương cho đời, Bồ tát sử dụng thân thế nào để thành Hiền thánh. Đứt gốc bùn, không thành sen, cũng như Bồ tát bỏ thân ngũ uẩn không thành Phật và phải chuyển ngũ uẩn thân thành ngũ phần Pháp thân bằng cách tu tập giới, định, huệ.
 Như vậy, ở giai đoạn một, Bồ tát tích lũy công đức. Và giai đoạn hai, Bồ tát phải tiếp tục hiện thân ở cuộc đời giáo hóa chúng sinh y như trước. Tuy nhiên, khác ở điểm Bồ tát thành tựu công đức rồi, phải xả bỏ tất cả để tiến lên bờ giải thoát. Hiện hữu trên cuộc đời làm mọi việc bình thường, thể hiện mẫu người giải thoát trong chốn không giải thoát. Đó là hình ảnh Duy Ma từ ngoài đi vào thành, nhắc nhở Quang Nghiêm, hay vẽ lên cho chúng ta pháp tu Bồ tát thành tựu lợi ích chúng sinh, mà không hề sanh tâm chấp trước.
Bồ tát Quang Nghiêm từ thành ra gặp Duy Ma ở cổng thành. Nhìn bề ngoài, Quang Nghiêm hoàn toàn trong sạch, Duy Ma hoàn toàn nhơ bẩn, việc gì cũng làm, chỗ nào cũng đến. Đối với ông “Dâm phòng tửu điếm, vô phi thanh tịnh đạo tràng”. Quang Nghiêm đồng tử từ cuộc đời hướng về chân lý, gặp Duy Ma từ chân lý đi ngược về nhân gian. Hai lập trường tương phản gặp nhau, trí mới bừng sáng. Hai người gặp nhau ở cửa thành là hai thế giới thanh tịnh và nhiễm ô giao nhau, tạo thành thế giới bất nhị cho Bồ tát bước vào.
duyma-1.gif
Do suốt đời giữ giới thanh tịnh, được Đức Phật Thích Ca ấn chứng, Quang Nghiêm đồng tử mới gặp Duy Ma. Duy Ma khuyên Bồ tát Quang Nghiêm hãy trở lại cuộc sống thực tế ở thế gian này, mới thấy Bồ Đề Đạo Tràng, mới bắt gặp chân lý, gặp Thích Ca ở đây. Bỏ cuộc đời, tìm Thích Ca không có. Vì chính Duy Ma thấy Phật, nghe được pháp âm vi diệu ở ngay trên cuộc đời này.
 Duy Ma nói với Bồ tát Quang Nghiêm rằng Trực tâm, Thâm tâm, Bồ đề tâm là đạo tràng, Sáu pháp ba la mật là đạo tràng, v.v...  Đâu có gì trên cuộc đời không phải là chỗ giác ngộ. Nếu rời bỏ cuộc sống hiện thực này sẽ rớt qua không tưởng. Đây là ý niệm khi chúng ta hành đạo, xa rời thực tế sẽ không thấy đạo. Đạo ở ngay trước mặt, ngay trong lòng chúng ta. Sự hiểu biết của chúng ta phát xuất từ quá trình hành đạo, tức trí tuệ ta phát sinh do cọ xát với đời. Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm rằng Bồ đề ở nơi chúng sinh. Chúng sinh càng cang cường, Bồ tát càng mau đắc đạo.
Trì Thế Bồ tát từ chối thăm bệnh Duy Ma
Trì Thế nghĩa là giữ lại sự sống cho mọi người, nên trong kinh ghi Trì Thế làm quốc sư cho Kiều Thy Ca vương là vua cõi trời cai quản nhân gian. Đây là quan niệm có sẵn của Ấn Độ. Dựa trên tinh thần này, chúng ta thấy các vị Tăng xuất gia tu hành giải thoát, mà vẫn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho đời, tham gia vào việc quốc sự.
Chưa bước chân vào đời, không có vấn đề đặt ra cho chúng ta. Nhưng nghe Duy Ma khởi sự nhập cuộc, liền gặp vô số khó khăn. Ở đây điển hình là Trì Thế Bồ tát bị đời làm hoa mắt, tưởng ma là Đế Thích. Sai lầm của Trì Thế gợi cho chúng ta suy nghĩ khi quá nhiệt tình lo cho đời, thường dễ bị đời làm chúng ta phiền muộn.
Trì Thế Bồ tát mới đến cung trời Đao Lợi, thân tâm hoàn toàn trong sạch. Tuy nhiên, ở đó lâu, tâm thay đổi, không còn thanh tịnh. Vì khi ngài ngồi tĩnh tâm, Thiên ma hiện ra. Ma này ở trong lòng, tâm động nên cảnh động. Lúc trước, Trì Thế đã từng tiếp xúc với Kiều Thy Ca và Thiên nữ có đàn ca. Nay ngồi nhập định thấy Kiều Thy Ca và Thiên nữ xuất hiện là điều tất yếu. Thật vậy, ban ngày hành Bồ tát đạo. Nếu chưa vượt ngũ ấm, khi tham thiền, những gì ta tiếp cận sẽ hiện ra trong tâm thức, nhiễu loạn và tác hại công đức của chúng ta. Vì vậy, tiếp xúc cuộc đời, làm được mọi việc nhưng phải xả tất cả. Nếu còn nhớ nghĩ, nó sẽ làm ta đọa ngay trong ngày đó.
Thiên ma đến, Trì Thế lầm là Kiều Thy Ca và ông khuyên Kiều Thy Ca nên nương phước báo có sẵn để tìm đến ba điều không thay đổi của Như Lai, đó là thân vô hạn, mạng sống vô cùng và thánh tài vô tận. Điều Trì Thế khuyên Kiều Thy Ca có thể hiểu rằng thật sự ông nói với chính lòng ông, cũng gợi cho chúng ta suy nghĩ. Trên bước đường tu hành, cần tích tụ nghị lực, trí tuệ, công đức để làm hạt nhân đưa chúng ta đến quả vị Phật.
Kiều Thy Ca xin cúng dường tất cả tài sản cho Trì Thế. Trì Thế cũng muốn nhận, nhưng chưa dứt khoát. Duy Ma hiện ra bảo không phải là Đế Thích, nhưng là ác ma nhiễu loạn tâm ông. Duy Ma nhắc Trì Thế hay nhắc chúng ta đừng lầm Thiên ma với Đế Thích. Theo tôi, Đế Thích tiêu biểu cho người hộ đạo. Chúng ta muốn thành tựu Phật sự cần nhờ đàn việt hằng tâm hằng sản hỗ trợ. Tuy nhiên, trong bất cứ sự trợ giúp nào đều có điều kiện kèm theo. Nếu chúng ta không đáp ứng yêu cầu của họ là có chuyện. Điều kiện họ đặt ra cho chúng ta khi ta đã lỡ thọ ơn, tôi coi đó là Thiên ma.
Trì Thế gặp hoàn cảnh ma chướng như vậy, nhưng nhờ căn lành, ông được Duy Ma xuất hiện hóa giải. Duy Ma đến với Trì Thế trong lúc tâm Trì Thế dao động. Nghĩa là hành giả tu giải thoát, nhưng khi tiếp cận cuộc đời bị dao động, liền có Duy Ma thật, hay thiện tri thức bên ngoài đến giúp đỡ. Hoặc hiểu dưới dạng khác là khi hành giả vấp phải sa ngã, từ trong bản tâm thanh tịnh văng vẳng lời Phật dạy chỉ đạo hành giả tự thức tỉnh, phát hiện ra pháp tu và giải quyết vấn đề đúng đắn theo chánh đạo. Trì Thế Bồ tát nhờ tu lâu nên có tịnh tâm, khi tâm niệm sai lầm khởi lên, liền có tâm tốt chỉnh lại ngay. Duy Ma và Trì Thế tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa người lãnh trách nhiệm hướng dẫn cuộc đời và người ở thế giới thanh tịnh.
Thiên ma trốn không được và nghe trên hư không bảo hãy đem Thiên nữ cho Duy Ma Cật mới đi được. Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ khi chúng ta có đầy đủ công danh sự nghiệp, bỏ nó không dễ. Tuy thất bại, nhưng cũng muốn gánh gồng mang theo cho đủ.
Ma Ba Tuần đành giao các Thiên ma cho Duy Ma. Trì Thế không thể tiếp nhận ma, nhưng Duy Ma nhận được. Trong quá trình tu hành, nếu đạo đức và khả năng của chúng ta còn kém mà tiếp cận ma chướng nhiều, sẽ trở thành nguy hiểm. Nhưng khi ta là Duy Ma, hay bản tâm thanh tịnh hoàn toàn, thì thiện ác đôi bề nước một sông; những điều ác xấu không tác hại chúng ta nữa. Chúng ta tốt, ma thành pháp lữ. Còn tâm không thanh tịnh, pháp lữ thành ma.
Duy Ma đón nhận ma nữ, nhìn thẳng vào tâm họ, tùy từng người mà giáo hóa. Ma nữ tiếp cận bản tâm thanh tịnh của Duy Ma, nhận được lòng tốt tuyệt đối của Duy Ma, liền phát tâm Bồ đề. Gặp Trì Thế, nó biến thành ma. Nhưng gặp Duy Ma, nó trở thành Phật tử.
Duy Ma khuyên họ từ đây nên chuyển thú vui tầm thường theo thế gian thành niềm vui cao thượng; đó là vui thấy Phật, vui nghe giáo pháp, vui sống với giáo pháp, vui sống với tập thể hòa hợp thanh tịnh và vui làm lợi ích chúng sinh. Lúc ấy, ma Ba Tuần xuất hiện, đòi các Thiên ma về. Điều này nhằm nói đến những người hưởng đầy đủ phước lạc thế gian một lúc sinh tâm nhàm chán, muốn tu; hoặc người gặp phiền muộn, muốn vô chùa, nương theo Phật pháp để tu. Ở đây diễn tả bằng hình ảnh ma nữ đi tu; nhưng sống lâu ngày với tương rau, họ lại chán, muốn trở về. Ý này được kinh ghi là hình ảnh ma vương xuất hiện, nghĩa là họ bắt đầu nhớ lại phước lạc thế gian, nhớ đời sống vật chất sung sướng trước kia, nên thấy ma xuất hiện gọi về. Ma xuất hiện là tâm muốn về, không muốn tu nữa.
Lúc ấy, Duy Ma dạy họ pháp môn vô tận đăng, ví như một ngọn đèn mồi đốt trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều sáng. Ông khuyên họ nên trở về Thiên cung chỉ dạy các Thiên ma khác phát tâm Bồ đề như họ. Điểm này nhắc hành giả giáo hóa chúng sinh, cần quan sát rõ tâm trạng và yêu cầu từng người đúng hay sai, có chánh đáng hay không để giúp đỡ. Khi giúp xong, hành giả nên trả họ về vị trí riêng của chính họ, để từ đó họ tự phát triển.
Trưởng giả Thiện Đức  từ chối thăm bệnh Duy Ma
Trưởng giả Thiện Đức hay Cấp Cô Độc chuyên hành bố thí. Theo truyền thống gia đình của cha ông nhiều đời, mỗi năm đều mở đàn chẩn tế. Nay ông nối chí cha ông, lập đàn bố thí cúng dường trong bảy ngày, gọi là thí vô giá hội. Đối với chư Tăng, ông hết lòng cung kính cúng dường.
 Duy Ma nói rằng việc Thiện Đức làm tốt, nhưng còn quá nhỏ để mang tên đại thí hội. Phải chi ông bố thí cúng dường theo Phật thì công đức lớn vô lượng. Theo Duy Ma, có hai cách bố thí, bố thí theo nhân gian và theo Phật. Bố thí theo Phật gồm có bố thí của Thanh văn và của Bồ tát, nhưng hai cách bố thí này không rời nhau. Vì Đức Phật đứng ở lập trường nhất thừa để nâng cao tư cách của con người, làm cho việc bố thí của họ có tác dụng lợi lạc lâu dài và sâu rộng hơn.
Đức Phật không phủ nhận pháp bố thí của nhân gian, nhưng theo Ngài đây chỉ là tình người đối xử với nhau, có tính cách tương thân tương trợ, là làm việc tốt của người đời, chưa phải là đạo Bồ tát. Trước hết bố thí theo thế tục là tài thí, tức giúp đỡ người nghèo bằng cách cho ăn. Việc làm này có tính cách giai đoạn nhất thời. Nếu ta đem cơm gạo bố thí cho người nghèo, cho họ bữa ăn sáng, thì họ sẽ giải quyết bữa ăn chiều ở đâu. Trong xã hội, có nhiều người bố thí như Thiện Đức, chắc chắn sản sinh ra toàn người ăn mày. Họ lười biếng, không chịu làm việc, chỉ ngửa tay xin ăn và không bao giờ phát triển khả năng. Họ đã trở thành người ăn hại suốt đời và đời đời. Duy Ma muốn chỉnh lý quan niệm bố thí sai lầm như vậy.
Duy Ma điều chỉnh cách bố thí theo nhân gian cho tốt hơn, không muốn để họ nghèo và phải nuôi hoài. Phải đào tạo họ trở thành người tốt, giỏi, dạy nghề cho họ tự phát triển, tự làm ra của cải. Bố thí theo Phật, phải làm cho người phát tâm Bồ đề, nghĩa là nâng cao trình độ, khả năng và đạo đức của người thọ thí, từ đó đời sống vật chất của họ cũng phát triển theo. Ta dạy họ làm và họ truyền lại cho người khác. Đó là bố thí vô tận theo thời gian.
Trưởng giả Thiện Đức bố thí thật nhiều nhưng chỉ là tiểu thí chủ. Ngày nay, có còn ai nhớ đến ông mà tổ chức đám giỗ hay không? Việc làm nào có lợi ích theo vô tận thời gian, mới là pháp bố thí của Phật. Điển hình là Đức Phật Thích Ca từ bỏ hữu hạn, chứng được pháp vô cùng. Ngài truyền đạt pháp vô cùng vào tâm tư mọi người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến nay, khắp nơi trên thế giới, đều kỷ niệm ngày Phật nhập diệt 2553 năm. Đối với thọ mạng Phật pháp kéo dài cả ngàn năm như vậy, mà nhân loại vẫn còn tôn thờ kính ngưỡng Đức Phật. Bây giờ và mãi mãi về sau, chúng ta vẫn cảm thấy thọ ơn Ngài. Vì vậy, vô hình trung Đức Phật Thích Ca là đại thí chủ, dù Ngài chưa cho ai đồng nào. Với trí tuệ siêu việt nhìn thấy rõ nên bố thí cái gì, nhờ vậy những người theo Phật lần tiến tới Nhất thiết chủng trí.
Quan niệm bố thí theo vô tận thời gian phổ cập đến mọi người, thường được Đức Phật ca ngợi. Cụ thể là Ngài dạy sửa cầu đắp đường được công đức lớn nhất, công đức lo cho người ăn không thể nào sánh bằng. Nếu đắp một con đường hay bắc một cây cầu cho người đi qua, mỗi ngày hàng trăm người qua lại phải thọ ơn ta bố thí. Về mặt thời gian, từng thế hệ tu bồi mỗi ngày tốt thêm, từng thế hệ đều thọ ơn ta. Vị Bồ tát thể hiện hạnh tiêu biểu này là ngài Trì Địa. Ngày nay, tất cả thành tựu của các nhà bác học khắp nơi trên thế giới về khoa học, kỹ thuật, y tế giúp nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho con người mỗi ngày tốt đẹp, tiện nghi hơn, cũng là hình thức bố thí vượt thời gian và không gian.
Sau khi Bồ tát Thiện Đức được Duy Ma giáo hóa, ông đổi cách chăm lo cho chúng sinh. Những người theo ông được đào tạo, phát triển khả năng, xây dựng thành tài. Và cuối cuộc đời, ông giao sự nghiệp cho họ cai quản, mà không hề thất thoát. Cùng việc làm bố thí như trước, nhưng nay trưởng giả Thiện Đức chuyển đổi tâm niệm theo Phật pháp, liền dẫn đến kết quả tốt lành. Mọi người kính trọng, quý mến, nhớ ơn ông, xem ông như người cha. Trong khi bố thí theo truyền thống gia đình ông, chỉ có giá trị giới hạn trong bảy ngày.
Từ cách bố thí chung chung theo nhân gian có giới hạn, Đức Phật chuyển sang dạy Thanh văn nhìn thấy rõ nhân quả mà hành bố thí. Hàng Thanh văn bố thí không cầu phước lạc nhơn thiên. Họ cầu quả Niết bàn. Họ bố thí, cúng dường nhiều để tích lũy công đức, vì biết không có công đức không hành đạo được. Ngoài ra, bố thí theo Thanh văn còn nhằm xóa bỏ lòng tham, đạt đến Niết bàn Không, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, tạo điều kiện cho ta đắc đạo.
Khi thành tựu quả vị La hán, Đức Phật dạy Thanh văn đi ngược trở lại cuộc đời để hành bố thí theo Bồ tát và pháp bố thí này phải thực hiện cho đến ngày thành Phật mới xong. Duy Ma nhắc nhở Thiện Đức hay nhắc chúng ta sự khó khăn vô cùng của Bồ tát từ nhân hướng quả. Khi tu Bồ tát đạo, muốn vượt đường hiểm sinh tử và dắt chúng nhân cùng đi trên lộ trình này, thì đối với thì giờ, sức khỏe, tiền bạc, chúng ta phải giữ gìn tiết kiệm từng chút, như những giọt nước quý trong sa mạc. Để làm nên đạo cả, xây dựng Tịnh độ, chúng ta phải dùng phước báo, trí tuệ đúng đạo Bồ tát, vì nó quý báu, cần thiết cho việc thành tựu Báo thân. Tạo không dễ, nhưng phí phạm phá hết tư lương này, chúng ta sẽ chết trước khi ra khỏi đồng hoang sinh tử.
Hiện hữu trên cuộc đời, chúng ta mang thân hữu hạn và tài sản hữu hạn. Duy Ma dạy Thiện Đức bố thí theo Bồ tát, dùng ngay hữu hạn để đổi lấy vô cùng, lợi dụng thân hữu hạn phát triển Pháp thân có chiều cao cùng tột vũ trụ, chiều sâu tận địa ngục A Tỳ. Thật vậy, nếu chúng ta tốt và thương người thật sự, sẽ tập trung được người tốt đến với chúng ta. Thương mười người, mười người đến với chúng ta, thương cả dân tộc, dân tộc sẽ quý mến chúng ta. Tình thương phủ cả nhân loại, thì thân ta tràn đầy Pháp giới.
Hành bố thí của Bồ tát quên thân mình, chỉ nghĩ đến lợi ích chúng sinh. Thương người đến độ quên mất bản ngã, thì hai người đồng một thể. Tiến đến tột đỉnh tình thương phủ cả vũ trụ, vũ trụ biến dạng thành ta. Đó là con đường vô ngã, vị tha của Bồ tát. Bồ tát chỉ bố thí tâm lượng, còn vật có bố thí hay không vẫn là vật, tác dụng chính ở lòng người. Đức Phật thương người thật sự nên mọi người luôn kính trọng Ngài. Kho vô tận Thánh tài của Ngài tràn đầy tình thương, dùng hoài không hết. Vì quên mình, nên tình cảm và tri thức của Ngài lan rộng mãi trong tình cảm, trong suy tư của mọi người là Pháp thân Phật.
Sau khi nghe Duy Ma chỉ dạy bố thí cúng dường, trưởng giả Thiện Đức cởi chuỗi anh lạc, đưa cho Duy Ma, nhờ ngài đổi dùm ông Thánh tài vô tận. Duy Ma nhận xâu chuỗi, dùng công đức tu hành mà chia làm đôi. Một phần ông dâng cho Đức Phật Nan Thắng Như Lai là người cao quý nhất. Phần còn lại, ông tặng người ăn mày nghèo nhất trong pháp hội. Duy Ma nói rằng ngài coi Đức Nan Thắng Như Lai bằng với người ăn mày không khác. Hai người này bình đẳng, vì ở  thể bất nhị, giữa Nan Thắng Như Lai và người nghèo đồng một thể.
KẾT LUẬN
Tóm lại, kinh Pàli của Phật giáo Nguyên thủy không hề ghi sự thất bại trong việc gặp gỡ luận đạo giữa cư sĩ Duy Ma và các đại đệ tử của Phật, hoặc các Bồ tát. Kinh Pàli chỉ ca ngợi đệ tử Phật là Thánh chúng. Tuy nhiên, theo tinh thần Phật giáo phát triển cho phép chúng ta có quyền suy luận, nghĩ đến thời kỳ phân chia các bộ phái ở thành Tỳ Xá Ly; trong đó đối kháng mạnh nhất là quan niệm giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ.
Đối kháng nặng nề giữa Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ làm cho người trí thức đương thời hiểu Phật pháp dưới dạng kinh Duy Ma. Nói rõ hơn, lỗi lầm của bốn vị Bồ tát được nêu ra không phải là lỗi thật của các ngài. Những lỗi lầm đó chính là sai lầm của Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ thời đó đã hiểu lệch lạc về quan niệm thừa kế, trong sạch, giới điều, bố thí. Những người trí thức có tâm huyết cho sự sống còn của Phật giáo đã nhìn thấy tranh chấp cục bộ này. Vì vậy, họ đưa ra lối thoát bằng cách mượn hình ảnh của bốn Bồ tát phạm lỗi lầm để cảnh tỉnh Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta cần thể nghiệm đúng đắn tinh thần Phật dạy trên bước đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh.


HT.Thích Trí Quảng