duyma.jpgBất tư nghì, hay bất khả tư nghì nghĩa là không thể nghĩ bàn, ngoài sức hiểu của con người, đòi hỏi hành giả phải tu hành đến một trình độ nào mới hiểu. Đó là trạng thái tu chứng, diệu dụng thần thông của Bồ tát. Ở đây nêu ra một số việc làm tiêu biểu mà Thanh văn và Bồ tát không làm nổi.

Khi Duy Ma và Bồ tát Văn Thù bàn về pháp bất khả tư nghì giải thoát, tất cả chúng hội đều mờ mịt, không biết vị nào bệnh, vị nào không bệnh. Người bệnh và người không bệnh nói chuyện với nhau, hay đối đáp giữa Bồ tát thọ ấm thân và Bồ tát Pháp thân hoàn toàn vô hình, tức giữa hai tâm hồn trong sáng gặp nhau, đứng ngoài phần ngũ uẩn luận bàn. Vì thế, những người còn sống xoay vần trong sáu giác quan làm sao hiểu được; đối với họ tất nhiên phải thành bất tư nghì.
Bồ tát Văn Thù và Duy Ma bàn luận với nhau rằng nên khuyên Bồ tát bệnh thế nào để họ vững tâm hành đạo và Bồ tát bệnh phải vận dụng pháp gì để chữa bệnh; đó là suy tư và việc làm của Bồ tát. Hàng Thanh văn tham dự pháp hội không hiểu nổi. Ví như người ở trình độ thấp nghe hai nhà bác học nói về sự chuyển biến của vũ trụ, tất nhiên họ không thể nào hiểu được. Cũng vậy, Xá Lợi Phất và chúng Thanh văn cảm thấy việc làm của Duy Ma và Bồ tát Văn Thù không liên quan gì đến các Ngài. Các Ngài không bắt gặp cái hay của Bồ tát đến thăm bệnh, mới trở về tâm niệm hạn hẹp của con người, khởi lên ý niệm 8.000 Bồ tát và 500 La hán tập trung về phòng Duy Ma. Số lượng người nghe pháp quá đông và hội trường quá nhỏ. Làm sao vào được và vào được thì trong phòng không có bàn ghế, chỉ có cái giường của Duy Ma.
Xá Lợi Phất nghĩ như vậy cũng đúng, nhưng đúng với thực tế của con người còn kẹt trong sinh tử, không phải của người tu giải thoát. Đến đây, mở màn cho pháp bất tư nghì phô diễn, làm đảo lộn cái thấy bằng nhãn quan thông thường của chúng ta là phòng rộng mới chứa được nhiều người. Phòng Duy Ma nhỏ nhưng dung nhiếp được nhiều người, là việc bất tư nghì. Cũng như Đức Thích Ca Như Lai với hai bàn tay không, điều động dễ dàng cả năm ông vua cai trị miền ngũ hà ở Ấn Độ và hàng vạn Tỳ kheo, vô số cư sĩ. Điều này đối với chúng ta cũng bất tư nghì.
Thanh văn thấy phòng nhỏ không có chỗ ngồi. Điều này gợi cho chúng ta biết rằng nếu suy nghĩ theo con người phàm phu dễ rớt qua tham vọng, vì túi tham không đáy, rộng bao nhiêu cũng không dung được. Nhưng đối với Bồ tát an trú pháp Không, nhỏ bao nhiêu cũng chứa đủ. Đứng trên lập trường Phật pháp, không có vấn đề nhỏ lớn nhiều ít. Chỉ ở trên sinh diệt pháp, mới có vấn đề này. Chúng ta cần lưu ý, không khéo chỉ tu hành trên sinh diệt, trăm kiếp ngàn đời vẫn ở trong sinh diệt.
Ngoài ra, Xá Lợi Phất không thấy chỗ ngồi, còn có thêm ý nghĩa thứ hai mà người Việt Nam thường nói phải biết chỗ mình ngồi, ngồi cho đúng chỗ. Nói cách khác, hai vị thượng thủ Duy Ma và Văn Thù luận bàn về pháp Bồ tát thì Thanh văn không còn chỗ nào chen vô. Mang tâm niệm Thanh văn, nên nghe pháp Bồ tát cảm thấy lạc lõng. Đến đây, Duy Ma muốn nói lên tâm niệm sai lầm, tự ti mặc cảm của Thanh văn. Họ thường nghĩ Phật cao vòi vọi, còn thân phận chúng ta thấp kém. Hay đó là tư tưởng của hàng Thượng tọa bộ thường khẳng định chúng ta chỉ đạt quả vị A la hán là cùng, không thể thành Phật, không thể tu hạnh Bồ tát, hay không thấy chỗ ngồi của mình trong hàng Bồ tát.
Duy Ma muốn phá bỏ tự ti mặc cảm này. Ngài tìm chỗ ngồi cho Thanh văn, bằng cách nương theo khởi niệm của Xá Lợi Phất để hỏi Xá Lợi Phất đến tìm chỗ ngồi hay cầu pháp.
Câu chuyện giữa Bồ tát Văn Thù và Duy Ma đến đỉnh cao, thay vì kết thúc, nhưng bị Xá Lợi Phất cắt đứt, vì hiểu biết con người không vói tới được. Vì vậy, Duy Ma phải quay ngược lại. Xá Lợi Phất trả lời Duy Ma rằng Ngài đến cầu pháp, không cầu chỗ ngồi. Duy Ma liền chỉnh rằng không cầu chỗ ngồi, tại sao lại nghĩ đến chỗ ngồi . Xá Lợi Phất có khởi niệm chỗ ngồi là đã rớt vô sai lầm, mà vẫn không biết mình sai. Điểm này gợi chúng ta suy nghĩ trên bước đường tu, cần biết rõ được chính mình là việc quan trọng. Riêng Bồ tát, chắc chắn nhận biết và kiểm soát được từng tâm niệm của các Ngài. Chúng ta tu suốt đời, không đắc đạo vì khởi tâm động niệm liền liền. Hãy thử kiểm tra xem một ngày, chúng ta động niệm bao nhiêu lần.
Duy Ma hỏi Xá Lợi Phất cầu pháp gì, có phải pháp trần nằm trong sắc, thanh, hương, vị, xúc hay không. Câu hỏi này nêu lên cho Xá Lợi Phất cũng là vấn đề đặt ra cho chính chúng ta. Chúng ta tu hành cầu pháp Thanh văn, Bồ tát, hay pháp thế gian?
Pháp thế gian nghe bằng tai và nhận biết bằng tâm niệm thế gian, nên nghe pháp rồi không đắc đạo, không giải thoát. Phật dạy "Tà nhân thuyết Chánh pháp, Chánh pháp tức quy tà". Nghĩa là đứng lập trường vọng niệm căn trần thức, mà thuyết pháp và nghe pháp. Đó chỉ là pháp thế gian hay pháp sinh diệt mà Duy Ma gọi là cầu sắc, thanh, hương, vị, xúc.
Cùng một pháp, nhưng hai tâm niệm khác nhau, nên tiếp thu phải khác. Người nghe pháp lòng nhẹ nhàng, phiền não tự rơi rụng là người cầu pháp Thanh văn, nghe thanh trần mà chứng Pháp thân. Còn người cầu sắc, thanh, hương, hay cầu pháp thế gian chỉ nghe chơi, rồi đâu cũng vào đó, cuộc sống của họ vẫn đầy đủ tham sân tội lỗi. Người cầu pháp sinh diệt và tu pháp sinh diệt, có được chăng chỉ được phiền não. Tuy nhiên, mặc dù pháp không phải là sắc, thanh, hương, vị, xúc; nếu chúng ta chấp nó là thật thì không đúng, nhưng lìa sắc, thanh, hương, vị, xúc để cầu pháp, cũng không được. Cần nương pháp để được giải thoát, rời nó, chúng ta càng rơi vào không tưởng hơn nữa, chẳng khác gì giấc mơ nằm trong giấc mơ, hay bỏ thế gian này đi tìm thế gian khác.
duyma-1.jpg
Thông thường, Thanh văn tu triển khai sáu thức do sáu căn tiếp xúc sáu trần. Họ lóng tai nghe giảng pháp và Duy Ma bảo đó không phải là pháp, chỉ là thanh trần còn cách đạo xa lắm. Đến đây, chúng ta thấy chuyển từ Thanh văn thừa sang Bồ tát thừa. Hành giả hướng về chân lý cầu pháp, nên pháp thông qua tâm. Vì thế, không sử dụng sáu giác quan nắm bắt Bồ tát pháp được. Nó là tịch diệt tướng, không phải nhìn thấy bên ngoài mà phát tâm. Hành giả tự nhiên phát tâm, dù chưa nghe chưa thấy. Lúc ấy tâm Bồ đề của hành giả ngang qua tâm giải thoát của Phật, mà Nhật Liên Thánh nhân ví như chim ngoài trời hót làm thức tỉnh con chim trong lồng. Nói cách khác, Như Lai thuyết pháp tịch diệt, làm sao hành giả nghe. Tuy nhiên, tâm hoàn toàn lắng yên, liền trực nhận được pháp này, nên không thấy mà thấy, không nghe mà nghe.
Duy Ma dạy rằng pháp không phải là sáu trần mà dùng sáu căn để tiếp xúc, ta đã rớt qua Thức, thuộc về pháp sinh diệt. Pháp cũng không phải là Khổ, Tập, Diệt, Đạo mà tự khởi, vì pháp vốn vắng lặng. Duy Ma bảo thực tế cuộc đời có khổ đâu, nhưng ông tự khởi niệm đời là bể khổ và mang ý niệm khổ này vào thân. Như Lai vì lòng đại bi vận dụng bất tư nghì bằng cách tạo dựng hai Niết bàn cho Thanh văn tạm nương tựa. Niết bàn này Duy Ma bảo là Niết bàn giả. Nhờ sống trong hai Niết bàn, Thanh văn không có ý nghĩ xấu về người và người cũng không sinh ác tâm đối với họ. Từ đó, Thanh văn tạm có đời sống an lành và theo Phật nghe pháp đã lâu, Đức Phật chuyển hướng cho họ có tầm nhìn khác. 12 năm trước, Ngài nói đời là bể khổ. Nay Đức Phật mượn Duy Ma để nói đời không phải là bể khổ. Vì con người mê lầm nghĩ khổ, mới có khổ. Đối tượng ở đây thuộc Bồ tát Pháp thân ở dạng bất tư nghì, thì làm gì có khổ. Không khổ mà nghĩ tưởng khổ, Thanh văn đã rớt vào vọng tưởng điên đảo. Đối với Bồ tát giải thoát, hiện tượng không chi phối, vì các Ngài không khởi niệm, nhờ đó, đạt đến bất tư nghì giải thoát.
Xá Lợi Phất đang hoang mang vì pháp tu Khổ, Tập, Diệt, Đạo của Ngài đã dẫn đến quả vị Niết bàn. Nay Duy Ma lại chỉ trích không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo, không có cứu cánh Niết bàn. Như vậy, Niết bàn giải thoát của Xá Lợi Phất tu chứng là gì, có thể có một cái gì khác cao hơn hay không.
Xá Lợi Phất khởi niệm như vậy, Duy Ma liền hiển thị bất tư nghì, bằng cách hỏi Bồ tát Văn Thù đã từng dạo chơi mười phương thế giới, có thấy tòa sư tử nào cao đẹp nhất hay không.
Bồ tát Văn Thù trả lời rằng Ngài đi khắp mười phương tới nước Tu Di Tướng, có Phật Tu Di Đăng Vương Như Lai, thấy tòa sư tử đẹp nhất. Ngày nay có thể diễn tả theo thời đại là đi tham quan một vòng thế giới xem nước nào văn minh nhất. Tòa sư tử là chỗ ngồi, là vị trí. Tòa này cao 84.000 do tuần tương đương với 600.000 cây số ngày nay. Đức Phật cũng có chiều cao tương xứng như vậy. Duy Ma thấy Đức Phật ngồi trên đó đẹp nhất. Lúc đó, trong pháp hội có bao nhiêu người nghe pháp, Duy Ma mượn đủ tòa cao như vậy cho họ ngồi và thỉnh Văn Thù Sư Lợi cùng các Bồ tát an tọa. Các Bồ tát nhất sanh bổ xứ đi với Văn Thù cũng biến thành thân cao lớn cân xứng để ngồi. Các Bồ tát mới phát tâm và chúng Thanh văn chỉ ngước mắt nhìn, không lên được vì còn vướng mắc căn trần thức. Hiện tượng bất tư nghì này mở hướng nhìn mới cho Thanh văn chuyển sang Bồ tát pháp. Tòa sư tử của Phật mang đặt vào thế giới phàm phu, hay trong thế giới phàm phu có Phật. Kiến giải này khác với kinh Tiểu thừa.
Duy Ma bảo Xá Lợi Phất cùng đại chúng chắp tay lại đảnh lễ Tu Di Đăng Vương Như Lai, liền ngồi lên tòa sư tử được. Đến đây, chúng ta thấy Duy Ma muốn phá bỏ cố chấp lâu đời của Thanh văn, Ngài phải đưa ra cái mới cao đẹp hơn. Thời Phật tại thế, văn minh của loài người bấy giờ nằm gọn trong những lời dạy của Phật, hay lời dạy của Ngài là chân lý. Nhưng sau Phật Niết bàn, văn minh nhân loại vẫn tiếp tục phát triển, trong khi đó, những người bảo thủ theo chủ nghĩa giáo điều đến mức độ sự vật bên ngoài đổi mới khá nhiều mà họ vẫn không hay biết.
Duy Ma chỉ trích Thanh văn tu Khổ, Tập, Diệt, Đạo để chứng Niết bàn và xem đó là cứu cánh, không dám bỏ. Điều này nhằm ám chỉ các tu sĩ Thượng tọa bộ sống đóng khuôn trong chùa với những quy tắc cứng nhắc. Còn thực tế bên ngoài biến đổi quá nhanh, những văn minh tiến bộ của loài người, thì hàng tu sĩ hoàn toàn không biết. Tầm tri thức của họ quá cạn cợt, không thể nào tiến lên theo kịp đà phát triển của xã hội. Duy Ma phê phán Thanh văn mất 12 năm tu hành không được gì, hay đó là sinh hoạt cục bộ cố chấp của Thượng tọa bộ chẳng lợi lạc cho đạo, chẳng giúp ích cho đời.
Việc làm của Xá Lợi Phất và của Duy Ma cách nhau một trời một vực. Bồ tát ứng dụng Phật pháp một cách linh động nhịp nhàng với sự phát triển văn minh của con người. Trái lại, Thanh văn hay những người bảo thủ theo chủ nghĩa giới điều, không chịu thoát ra ngoài khuôn cố định, chỉ giữ y nếp sống tu hành cục bộ, không biết gì đến sự phát triển bên ngoài. Vì vậy, khi Thanh văn đi theo Bồ tát Văn Thù đến thăm bệnh Duy Ma, hay nói cách khác, khi tiếp xúc với cuộc đời, họ thấy khiếp sợ Bồ tát. Với hiểu biết thấp kém quan sát việc làm của Bồ tát, thì mọi việc đều trở thành ngoài sức tưởng tượng, hay bất khả tư nghì đối với Thanh văn. Sự thật Đức Phật chủ trương không có gì mà chúng ta không thể biết, không thể hiểu. Không biết, không hiểu chỉ vì chúng ta không chịu học, không chịu phát triển.
Dưới nhãn quan của Bồ tát, không có gì là bất khả tư nghì. Các Ngài bước theo dấu chân Phật, nỗ lực trau giồi trí tuệ siêu xuất thế gian. Càng tiếp xúc với đời để giáo hóa chúng sinh, Bồ tát càng phát huy trí tuệ và đạo đức, là biểu tượng chỉ đạo cho mọi người kính ngưỡng. Kinh diễn tả Đức Phật ngồi trong vườn Yêm La tượng trưng cho Phật ở trong tháp không còn thuyết pháp. Lúc ấy, văn minh của cuộc đời thể hiện qua hình ảnh cư sĩ Duy Ma thuyết pháp. Pháp này là nhân sinh, là cuộc sống của con người luôn luôn thay đổi, mà đối với trí tuệ của Bồ tát Văn Thù không có gì lạ lùng hay bất khả tư nghì. Cũng như sự kiện Duy Ma thông suốt các pháp, đầy đủ thần lực giáo hóa mọi tầng lớp xã hội dưới mắt Bồ tát Văn Thù cũng không có gì bất khả tư nghì.
duyma-2.jpg
Chỉ riêng mười đại đệ tử kinh sợ sự hiểu biết và việc làm của Duy Ma. Hay nói cách khác, Phật giáo phát triển muốn diễn tả tình trạng bi đát của chư Tăng sau Phật Niết bàn 100 năm. Tu sĩ Thượng tọa bộ cách ly thế gian, sống đóng khuôn, chấp chặt hình thức, không chịu phát triển nội dung. Họ đi ngược trào lưu tiến hóa của xã hội, trở thành thiển cận, bị đẩy lùi vào bóng tối; làm thế nào đủ khả năng, đủ tư cách chỉ đạo thế gian, làm thầy mọi người.
Duy Ma dạy đại chúng đảnh lễ Tu Di Đăng Vương Như Lai thì lên tòa sư tử được. Lên tòa sư tử được hay không lên được nhằm chỉ cho tâm chúng sinh. Tâm chúng sinh có lớn nhỏ khác nhau. Hàng Bồ tát Đẳng giác thuộc thượng căn thượng trí đồng đẳng với Như Lai, hiểu biết ngang tầm Như Lai. Tâm các Ngài trực tiếp với giáo pháp vô thượng, dễ dàng bước lên tòa sư tử. Riêng hàng nhị thừa và Bồ tát mới phát tâm chỉ ngước mắt nhìn, không lên được nhằm chỉ khả năng nhỏ bé của họ đối trước thần thông diệu dụng bất tư nghì của đại Bồ tát.
Hàng trung hạ ngước nhìn lên tòa sư tử. Đức Phật có hai tòa, tòa thứ nhất là tòa sen chúng ta phải lên trước. Tòa sen của Phật tượng trưng cho sự trong sạch, cao quý của Ngài.. Hành giả theo Phật, lòng lắng yên dần. Ngày nào lòng trần hoàn toàn dứt sạch, tâm hồn thanh thoát như hoa sen, hành giả về với Phật, hay gần Phật, hoặc bằng Phật, là ba nghĩa của tam thừa giáo, chúng ta có ba tòa sen. Bằng với Phật là Bồ tát Đẳng giác, gần Phật là Bích Chi Phật, về với Phật là La hán. La hán không mong thần thông, chỉ xin được tâm hồn thanh tịnh là ý nghĩa tòa sen của La hán. Từ tòa sen trong sạch này, hành giả bước sang tòa sư tử. Mới đắc đạo, ngồi tòa sen, nhưng giáo hóa chúng sinh thì ngồi tòa sư tử.
Tòa sư tử có tính cách tiêu biểu, không phải tòa thật, chỉ cho trí vô úy của Đức Phật mang tính chất vạn năng. Đức Phật ngồi trên cỏ vẫn gọi là sư tử tòa. Pháp âm Phật thường được ví như tiếng rống sư tử làm muôn thú khiếp sợ. Thành Phật, với trí tuệ tuyệt luân, tư cách trong sạch thánh thiện hoàn toàn, lời nói mới có giá trị tuyệt đối, không ai chống phá được. Hàng Bồ tát ngồi tòa sư tử nghĩa là các Ngài tuyên dương được Chánh pháp Như Lai; vì liễu ngộ chơn thừa, tác động chúng sinh lợi lạc bằng với Như Lai. Riêng hàng trung hạ chưa lên tòa sư tử được, nghĩa là nói pháp không ai nghe hoặc người nghe không giải thoát.
Thanh văn nhờ Duy Ma dùng thần lực đưa lên tòa sư tử, nhằm nhắc nhở Thanh văn chớ an phận với chiếc ghế nhỏ của mình hay đừng hài lòng với quả vị tu chứng. Phải tiến lên đỉnh cao vô thượng để cầu tòa sư tử cao nhất. Đến đây vẽ ra hướng mở cho Thanh văn phát tâm tu Bồ tát đạo. Bồ tát đủ tư cách ngồi tòa cao 84.000 do tuần, vì các Ngài đã vượt 84.000 phiền não trần lao của phàm phu.
Xá Lợi Phất không hiểu tại sao Duy Ma đem đủ tòa sư tử vào phòng để cho chúng ngồi, mà phòng không lớn thêm và tòa sư tử cũng không nhỏ đi.
Nhà Duy Ma hiểu dưới dạng nhà ngũ uẩn. Trong ngũ uẩn, chúng ta chỉ sử dụng Thức uẩn đã tạo được những linh hoạt. "Thức" là hiểu biết của con người. Nó là một đơn vị không ai thấy mà phải chấp nhận nó có thật. Những gì chúng ta học hiểu đều nằm gọn trong Thức. Chúng ta muốn đi phải nhờ xe cộ chở thân xác này; nhưng nhận thức của ta muốn đến đâu cũng được, chẳng cần phương tiện chuyên chở nào cả. Chẳng hạn khi ý thức của tôi vụt nhớ chùa Đông Đại ở Nhật Bản, tôi đến đó được ngay. Như vậy cả trái đất này mà tôi có học và suy tư, thì toàn thể vũ trụ có trong đầu tôi. Đây mới là phần Thức uẩn làm việc, so với siêu Thức của La hán, Bồ tát còn cách xa.
Siêu thức hay trực giác mà Bồ tát sử dụng, chắc chắn phải đạt kết quả diệu dụng, dung nhiếp cả Pháp giới. Kinh diễn tả bằng hình ảnh Duy Ma phát huy thần lực mang 32.000 tòa sư tử của thế giới Tu Di tướng đặt vào phòng của Ngài.
Kinh Duy Ma sau thời Bát Nhã là sau giai đoạn Bồ tát đã thấy được tướng Không. Núi Tu Di là Không và tướng hạt cải cũng Không. Dưới dạng Bát Nhã hay dưới tuệ nhãn của người đắc đạo, thật tướng các pháp đều Không. Vì thế, cái Không lớn bao nhiêu, cũng đưa vào cái Không nhỏ được. Các tòa sư tử Không và phòng Duy Ma cũng Không, thì Không này đem đặt vào cái Không kia, làm gì có chướng ngại.
Duy Ma nói tiếp với Xá Lợi Phất khi Bồ tát đạt bất tư nghì giải thoát có thể đem núi Tu Di nhét vào hạt cải. Tất cả chúng sinh sống trong núi Tu Di cũng không thấy mình nằm trong hạt cải và Tu Di cũng không lớn ra. Hoặc đem nước bốn biển đặt vào lỗ chân lông mà tất cả loài sinh hoạt trong biển không thấy bị chật hẹp trong lỗ chân lông và lỗ chân lông cũng không lớn thêm. Hoặc hiện tượng phòng Duy Ma chứa được 32.000 tòa sư tử, có Bồ tát cao đến 42.000 do tuần lên ngồi trên tòa, mà Duy Ma bệnh nằm đằng trước các tòa này chẳng khác gì con kiến v.v...
Tất cả hiện tượng đó gọi là bất tư nghì giải thoát, chúng ta suy nghĩ chứng được pháp nào, là việc riêng của từng người. Đối với tôi, nhìn về bất tư nghì này mang máng nhận ra Phật sanh thân, Báo thân và Pháp thân.
Pháp thân Phật bao la, chúng ta không thấy nhưng phải công nhận thân này tồn tại. Vì Đức Phật còn chỉ đạo cho những người đi theo con đường thánh thiện trên khắp năm châu xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 25 thế kỷ. Đó là Pháp thân do Đức Phật tu chứng. Ngoài ra, Báo thân Phật viên mãn hạnh Bồ tát, chúng ta cũng không thấy; nhưng sự thật là đức hạnh và trí tuệ của Đức Phật vẫn tỏa rộng sức thuyết phục đối với loài người. Và trở về sanh thân con người, thì ai cũng như nhau.
Có thể nói Bồ tát hiện hữu như mọi người, nhưng Pháp thân Bồ tát chứng được lực dụng bất tư nghì. Hiểu theo ngày nay, là nắm được quy luật. Tùy mức độ nắm được quy luật đến đâu, thì khả năng Bồ tát tiến đến đó. Ví dụ ngày nay, sức của con người hữu hạn, nhưng điều khiển được vật khổng lồ như máy bay hay phi thuyền chẳng hạn. Với sự kiện thực tế này để chúng ta hiểu lực của Bồ tát nằm ngoài hữu hạn và vận dụng đến vô cùng. Đó là ý nghĩa Bồ tát sử dụng sanh thân như là công cụ để hành đạo Bồ tát.
Ở đây, cần nói sơ về bất khả tư nghì của Đức Phật khác với bất khả tri luận của ngoại đạo. Bất khả tri luận mang tính chất tuyệt đối của thần học, theo đó, chúng ta là con người thì vĩnh viễn không thể nào hiểu được thần thánh. Bất khả tư nghì của đạo Phật cũng có nghĩa là không thể hiểu, không thể biết. Tuy nhiên, khác ngoại đạo ở điểm chúng ta là phàm phu, chuyện của Thánh đương nhiên không biết. Nhưng phát tâm Bồ đề, mang ý hướng thượng tìm học điều chưa biết. Ngày hôm nay chưa hiểu, ngày mai chúng ta sẽ hiểu, nếu chịu học. Vì vậy, đạo Phật dạy chúng ta tiến lên đạt quả vị Phật sáng suốt giác ngộ, không phải vĩnh viễn là phàm phu mê muội. Tôn giáo khác thì chủ trương con người muôn đời làm tôi mọi cho Thánh, không thể nào đạt quả vị Thánh, chỉ có Thánh mới là Thánh.
Hàng A la hán như Xá Lợi Phất trí tuệ bậc nhất, nay gặp lực Bồ tát, Ngài không hiểu, cũng cho là bất tư nghì. Dưới mắt La hán, muốn giải thoát, phải xuất gia, không dính líu cuộc đời, mới không bị nhiễm ô. Các Ngài hiểu thiện ác phân minh, Thánh phàm khác nhau, sống trong Niết bàn giải thoát, bỏ Niết bàn không giải thoát. Vì thế, các Ngài không hiểu được giải thoát của Bồ tát.
Giải thoát một của Thanh văn ở Niết bàn và giải thoát hai của Bồ tát ở trong sinh tử. Khi còn yếu kém, phải tránh giặc là giải thoát của Thanh văn. Hành giả tránh đau khổ, tìm an lành. Đây là tương đối pháp phân ra hai, thế giới giải thoát đối lại thế giới sinh tử. Kinh Duy Ma giới thiệu Bồ tát thi thố một loạt các thần lực, Thanh văn không hề biết, nhằm gợi ý cho Thanh văn hướng tâm tu Bồ tát hạnh, chuyển từ trụ định La hán sang phát tâm Bồ đề.
Sau khi nghe xong pháp bất tư nghì giải thoát, Ca Diếp cùng các Thanh văn bật khóc. Họ tự ví như người mù, dù có đem sự vật phô bày trước mắt cũng không thấy được.
Điều này không phải diễn tả Ca Diếp và các Thanh văn khóc thật. Các Ngài có còn đâu mà khóc. Ý này nhằm diễn tả tâm trạng đau buồn của những người có tâm huyết với sự sống còn của đạo pháp. Tâm trạng ấy được nhân cách hóa thành tiếng khóc của Ca Diếp đối trước những người thừa kế hư hỏng cứ mãi sống đóng khuôn trong tháp ngà, ràng mình kỹ lưỡng bằng những giới điều không còn thích hợp với thời đại. Kinh Đại thừa thường ví Ca Diếp hay Thanh văn như người mù, mù vì không chịu phát huy trí tuệ, vì thua sút thế gian, vì sống không ích lợi gì cho đời. Ngược lại, Duy Ma hay đó là hình ảnh của những người đã thoát ra ngoài vỏ hình thức tôn giáo, có óc cầu tiến, hiểu biết sâu rộng, khéo ứng dụng giáo lý làm lợi lạc cho đời. Mẫu người tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức như vậy mới thể hiện đúng nghĩa đệ tử Phật, hiểu Phật, xứng đáng thừa kế sự nghiệp của Đức Phật.
Ca Diếp nói tiếp rằng tuy Ngài không biết, nhưng thấy được bất tư nghì của Phật, Ngài chẳng còn sợ gì ai, kể cả ma vương.
Duy Ma khởi tâm thương hại Ca Diếp lúc nào cũng núp bóng theo Phật mà lại sợ Thiên ma. Duy Ma cho biết sự thật Bồ tát trụ bất tư nghì giải thoát, mới có khả năng làm Thiên ma. Ca Diếp không hiểu tại sao Bồ tát lại có thể là ma. Ma đối với Thanh văn là cái gì đáng sợ, đáng khinh nhất. Duy Ma trả lời rằng người tu hành không đối đầu với chông gai khó khăn trên cuộc đời, không bao giờ đắc đạo. Vì vậy, các Bồ tát nguyện làm chướng ngại, biến thành ma vương phá người tu, để họ lập chí tu hành. Tuy nhiên, chúng ta đừng nghĩ rằng tất cả chướng duyên hay ma là Bồ tát thật, rất nguy hiểm. Duy Ma mới làm bạn được với Thiên ma là những Bồ tát bất tư nghì giải thoát.
Chúng sinh phàm phu chưa vượt khỏi tam giới, với thấy biết hạn hẹp của "căn trần thức", không thể phân biệt ai là ma thật, ai là Bồ tát bất tư nghì giải thoát giả làm ma. Khi chưa nhận được pháp lữ hay yêu ma thật, chúng ta nên ngồi yên trên tòa sen. Nghĩa là không khởi tâm, không tham dự, không thọ nhận thì tốt hơn. Chúng ta nên nhớ trong thế giới Thiên ma có Bồ tát bất tư nghì, nhưng không phải tất cả Thiên ma là Bồ tát bất tư nghì. Đối với tôi, những gì chướng ngại giúp tôi thăng hoa trên bước đường tu, tôi coi đó là Bồ tát bất tư nghì giải thoát tạo điều kiện khó khăn cho tôi phát huy đạo lực. Trái lại, ai thật sự chống phá là ma thật, chúng ta không khoan nhượng.
Kết luận
Trên lộ trình tiến tu đạo giải thoát, từ sơ phát tâm cho đến quả vị Bồ tát bất tư nghì giải thoát, mỗi ngày chúng ta chạm trán với khó khăn nhiều hơn. Nhưng càng đối đầu với chông gai hung ác, chúng ta càng tỉnh táo hơn, thấy rõ đáp số chính xác cho mỗi vấn đề, cũng như thân tâm càng giải thoát theo Phật sự, thực hiện đúng sáu pháp Ba la mật. Điều đó chứng tỏ chúng ta đang bước đúng trên con đường Chánh pháp, công việc sẽ thành dễ dàng.
Chúng ta cố gắng mở rộng tầm nhìn, phát huy trí tuệ và đạo đức, sẽ bắt gặp chư Phật, Bồ tát theo từng nấc thang một trong con người đi lên của chúng ta. Điểm chính yếu cần ghi nhớ rằng chúng ta chỉ vượt qua mọi chướng ngại dễ dàng với điều kiện thân tâm phải hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Đạt được trạng thái tâm chứng này, mới dẫn đến tòa sư tử của Bồ tát bất tư nghì giải thoát. Ngược lại, mang chướng ngại vào tâm theo mỗi việc Phật sự là hành tà đạo và đang đi trên con đường ngắn nhất dẫn đến địa ngục trần gian.


HT. Thích Trí Quảng