Sự liên hệ mật thiết giữa thế giới Niết bàn và thế giới Ta bà, hay nói cách khác, hóa độ của Đức Phật trên nhân gian và việc làm của Ngài ở thế giới giải thoát Niết bàn, được thể hiện trọn vẹn trong cuộc đời hành đạo của Đức Phật Thích Ca. Nhìn lại khi Đức Phật tại thế, chúng ta thấy Ngài đã giáo hóa ở hai mặt, một mặt giáo hóa với tư cách sanh thân và một mặt giáo hóa dưới dạng pháp thân.
Sanh thân Phật có chúng Thanh văn tùy tùng, mang thân tứ đại ngũ ấm. Dưới dạng này, Ngài sử dụng sanh thân để giáo hóa sanh thân. Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Lộc Uyển thuyết pháp, Đức Phật được xem như một La hán và năm anh em Kiều Trần Như cũng là La hán. Đến khi Giáo đoàn phát triển, trong các vị La hán, có những vị vượt trội như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, v.v… Nói chung, những đại đệ tử của Phật được gọi là đại La hán; nhưng so với La hán Thích Ca, các Ngài không sánh kịp.
Ngoài phần thuyết pháp giáo hóa bằng sanh thân, chúng ta có thể thấy nghe cảm nhận được, Đức Phật còn cách giáo hóa mà chúng Thanh văn không thể thấy nghe, không thể dùng tâm lượng biết được, gọi là bất tư nghì. Phần bất tư nghì này là pháp học của Bồ tát. Bồ tát khao khát suy tư, phát huy mặt không giải thích được. Tại sao Đức Phật là người như chúng ta mà tác dụng của Ngài lại vô cùng tận vậy. Cảm nhận lực chi phối vô song từ nơi Đức Phật toát ra, dù Ngài thuyết pháp hay yên lặng, chúng ta cũng không thể nào hiểu được Phật. Kinh Pháp Hoa nói rõ hàng Bồ tát trở xuống không thể thấu tột việc làm của Như Lai, vì Như Lai thấy đúng như thật. Còn chúng sinh dán chặt đôi mắt bằng cặp kính nghiệp.
Tác dụng giữa Đức Phật với Thanh văn là tác dụng qua hiện thực cuộc sống. Và tác dụng giữa Đức Phật và Bồ tát thuộc siêu thực hay giữa thế giới hiểu được và thế giới chưa hiểu được. Bồ tát phát tâm thực hiện Bồ tát hạnh, mang khát vọng tìm chân lý, bắt đầu đi vào thế giới chưa hiểu để tìm điều kiện tăng trưởng trí tuệ, cuối cùng cũng đạt được hiểu biết chính xác. Bồ tát là người mang chí lớn, quán sát thấy rõ những gì trên cuộc đời đều trôi theo dòng sinh diệt, nên chí Bồ tát không đặt vào đây. Các Ngài đặt mục tiêu nằm ngoài sinh diệt, cầu thành Phật, đạt Nhất thiết trí.
Phẩm này nói về tư cách Bồ tát. Bồ tát lấy Phật làm đối tượng kiểu mẫu, làm hướng đi lập chí tiến thủ để đạt thế gian giải, hiểu tất cả cuộc đời và hiểu cả thiên nhiên, điều động nó một cách tự tại. Muốn thành Phật là muốn giải quyết được những việc mà người bình thường không giải quyết được, khác với Thanh văn an phận ở Niết bàn. Còn tục chúng tham lam ghét ganh đầy đủ, đương nhiên bỏ ra ngoài.
Trước khi chỉ dạy tư cách và việc làm của Bồ tát, Đức Phật Thích Ca giới thiệu Đức Phật Hương Tích và thế giới Chúng Hương. Đó là mẫu lý tưởng của người mang chí lớn và cũng là ước mơ của chúng ta hướng tâm về Ngài để lập chí đi lên.
Muốn đạt đến quả vị của Đức Phật Hương Tích, chúng ta phải tích lũy học vấn và phước đức. Kinh Bát đại nhân giác nói rõ điều chúng ta cần giác ngộ rằng ngu si là nguồn gốc của sinh tử. Chúng ta không biết lối thoát để đi ra, sinh và chết lang thang vô định, chui đủ vào các loài trong tứ sanh lục đạo. Vì vậy, Bồ tát thường học rộng nghe nhiều với các đấng giác ngộ giải thoát. Hiểu và làm đúng lời Phật dạy, thì trở thành Bồ tát hay Phật. Hiểu khác mà tiến tu, hành giả sẽ bước vào con đường sống khổ chết đọa. Dù tu suốt đời, vẫn không hưởng chút hương vị giải thoát, vì cố chấp trong vỏ cứng, tự làm những việc mình cho là pháp, nhưng kỳ thật là phi pháp. Thí dụ Duy Ma chỉnh Ưu Ba Ly hiểu sai ý nghĩa giới luật của Đức Phật. Đức Phật chế giới nhằm ngăn chặn tội lỗi, giúp cho người giải thoát. Ngài tùy người, tùy chỗ mà chế giới, không phải chế giới tràn lan. Đối với đệ tử có trình độ đạo đức tri thức, Ngài không cần dạy bảo lặt vặt; nghĩa là đối với thanh tịnh Tăng, không có giới. Giới được đặt ra vì có đối tượng chúng sinh ở trình độ hạ đẳng. Nếu không ngăn cấm, họ sẽ tạo tội và bị đọa. Điều chính yếu trên bước đường hành đạo Bồ tát, chúng ta phải phát triển trí tuệ để có cái nhìn xác thực giống Phật và dùng trí tuệ rọi vào lòng cuộc đời, nhắm đúng đối tượng để khai tri kiến. Họ phát tâm Bồ đề, sống an lành giải thoát và an lành giải thoát của họ chính là an lành giải thoát của chúng ta.
Trong phẩm này, Duy Ma rủ Văn Thù Sư Lợi đến ra mắt Đức Thích Ca. Duy Ma tiêu biểu cho bản tâm thanh tịnh được trí tuệ Văn Thù rọi sáng, mới diện kiến được Đức Thích Ca Như Lai. Chúng ta chưa thanh tịnh, trí không sanh, thì giữa Phật và chúng ta cách nhau muôn trùng vạn dặm.
Khi Duy Ma và Bồ tát Văn Thù, cùng đại chúng khởi niệm tới thăm Đức Thích Ca ở vườn Yêm La, cảnh vườn bỗng đổi khác, trở nên rộng lớn và xinh đẹp lạ thường, thoảng mùi hương lạ.
Hiện tượng này có thật hay không tùy ở độ cảm tâm của từng người tự chứng biết. Riêng tôi, trên bước đường tu hành, cũng có những cảm nhận tương tự. Có lúc lên chánh điện nhìn tượng Phật thấy ảm đạm làm sao. Có lúc lại thấy lâng lâng nhẹ nhàng thanh thoát, dường như chùa trải rộng thêm ra, sáng lên thêm, mường tượng như cảnh giới hôm nay có chư Phật phóng quang và Hộ pháp đến nghe pháp. Theo tôi, cảnh có một, nhưng tình có hai. Từ tâm niệm chúng ta trải ra bên ngoài và cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng tác động ngược lại chúng ta. Vì vậy, dù ở chỗ hẩm hiu đến đâu mà hành giả mang tâm niệm giải thoát, chỗ đó là Niết bàn. Dù nơi cao sang nhưng đầy dẫy tranh chấp, thù hận, giết người, nơi đó biến thành địa ngục. Địa ngục hay Niết bàn tùy tâm hiện thành.
Sự kết hợp giữa Bồ tát Văn Thù và Duy Ma thể hiện sự thành tựu hài hòa tâm thanh tịnh và trí sáng suốt, được cụ thể hóa bằng hình ảnh vườn Yêm La sáng rộng thêm. Đối với tôi, những ai đã thâm nhập vào thế giới tu hành, với niềm tin tôn giáo, thường bắt gặp những cảm giác man mác nằm ngoài phần hiểu biết của chúng ta. Chỉ có Đức Như Lai hoàn toàn giải thoát, không còn chướng ngại về hữu hình và vô hình, mới thấy được sự thật, giải đáp được lý bất tư nghì này.
Mùi hương từ nơi Duy Ma tỏa rộng trong vườn Yêm La và cảnh giới sáng đẹp thêm tiêu biểu cho sự hiện hữu của vị cao Tăng ở nơi nào, nơi đó hạnh phúc an vui. Trong quá trình hành đạo, chúng ta dễ kiểm nhận điều này. Tôi tham quan nhiều chùa thấy âm u lạnh lẽo, Phật ngồi yên đầy bụi bám, pháp bảo rêu phong chất đầy tủ, không ai đọc. Nhưng nếu có Bồ tát Duy Ma hay danh Tăng đến đó tu, cảnh chùa tự sáng đẹp ra. Đó là ý nghĩa mà Đức Phật dạy rằng các Bồ tát đến đâu, chỗ đó phải an lành. Nếu đến làm cho ảm đạm thê lương, đừng đến còn hơn. Chúng ta nhìn kỹ cuộc sống thấy rõ kinh điển và Phật muôn đời không đổi, nhưng vị trụ trì có đức hạnh tài năng thì chùa tự sáng ra.
Duy Ma và Bồ tát Văn Thù tiêu biểu cho Bồ tát đạo, hay trí tuệ sáng suốt và tình thương kết hợp trong một vị trụ trì. Được như vậy, sinh hoạt đạo pháp ở chùa đó tất nhiên phải phát triển, khác với nếp sống của người bảo thủ cố chấp. Đạo không thể sinh tồn, nếu giáo pháp nằm yên trong tam tạng kinh điển. "Đạo yếu Tăng hoằng", hay nói đúng hơn khi trí Văn Thù và tình thương Duy Ma kết hợp trọn vẹn trong bậc chân tu mới làm sáng đẹp cuộc đời, làm cho đạo pháp tỏa hương thơm ngát.
Đức Phật vừa trả lời cho A Nan biết hôm nay có Duy Ma và Văn Thù cùng Bồ tát mười phương muốn đến ra mắt Như Lai, nên phong cảnh đổi khác. Duy Ma liền dùng sức thần thông đem đại chúng và tòa sư tử để trên tay phải. Ngài đi thẳng tới vườn Yêm La nơi Đức Phật đang thuyết pháp, đi quanh Phật bảy vòng.
Thiết nghĩ câu chuyện siêu tự nhiên này ngầm bao hàm một ý nghĩa gì, là điều chúng ta cần tìm hiểu. Nếu hiểu theo giáo nghĩa Đại thừa lấy tâm làm chính "Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện", thì hành giả trụ tâm sẽ trở thành vạn năng, làm được tất cả.
Duy Ma nghĩa là tịnh tâm. Ý nghĩa tịnh tâm này trùng hợp với ý nghĩa "Chế tâm nhất xứ". Nhờ tập trung tâm, mới tạo được sự linh hoạt. Tuy tâm vô hình, nhưng có khả năng bao trùm cả muôn loài. Khéo vận dụng được tâm, hành giả chi phối cả hữu tình và vô tình thế giới. Chi phối hữu tình, nghĩa là dùng tâm ảnh hưởng đến người liên hệ, tác động cho họ chấp nhận chúng ta. Và muốn hiểu được sự chi phối của vô tình khi thế giới như thế nào, chúng ta quan sát ở lãnh vực khoa học và quan sát dưới dạng Chánh biến tri. Chúng ta thấy rõ sự tập trung tư duy của các nhà bác học để khám phá ra nguyên lý, chẳng qua chỉ là sử dụng tâm con người. Và tập trung tâm đến mức cao độ như Đức Phật, khám phá được quy luật tự nhiên. Sử dụng được quy luật này, tất yếu chuyển đổi được muôn sự muôn vật theo ý muốn.
Hiện tượng Bồ tát Duy Ma đặt toàn bộ Bồ tát lên cánh tay phải của Ngài đem về ra mắt Đức Thích Ca mang ý nghĩa gì. Bồ tát đi theo Duy Ma không phải mang xác thân người. Phải hiểu đó là Bồ tát hạnh, tức là tất cả việc làm tốt của Bồ tát trên cuộc đời gắn liền với cuộc sống của các Ngài tạo thành quyến thuộc bất khả phân. Việc làm thánh thiện của Duy Ma từ vô lượng kiếp tiêu biểu bằng cánh tay phải. Cánh tay phải của Duy Ma mang Bồ tát đến vườn Yêm La, theo tôi hiểu, Duy Ma đã giáo dưỡng tế độ cho họ vô số kiếp, là bàn tay nhấc chúng nhân lên quả vị Bồ tát. Vì vậy, Duy Ma đến với Phật, thì chắc chắn quyến thuộc của Ngài cũng đến theo. Bồ tát này là Bồ tát hạnh phát xuất từ tình thương cộng với khả năng hiểu biết, đưa đến việc làm lợi lạc cho người. Chúng ta thường thấy người giàu lòng thương có khả năng kết hợp nhiều người qua chất keo tình thương. Hoặc những nhà cách mạng thường tụ họp được quần chúng, phải chăng lòng yêu nước thương dân chính là chất xúc tác gắn liền họ với nhau.
Hành giả tu Bồ tát đạo phát triển tình thương đến độ không còn biên giới, bao hàm cả muôn loài và có tác dụng bất khả tư nghì, nằm ngoài hiểu biết của con người còn kẹt ngũ ấm thân. Tuy nhiên, tình thương đó được kết hợp với trí tuệ, nghĩa là ngũ trí của Bồ tát Văn Thù, hay đó là quá trình phát triển tri thức của con người qua năm chặng đường.
Trí thứ nhất là hiểu biết thông thường của con người. Bỏ trí này, tìm trí khác, thì Đức Phật ví như tìm lông rùa sừng thỏ, không bao giờ có. Chúng ta chưa biết việc thông thường mà đòi biết chuyện cao siêu, thật quá vô lý. Hiểu lầm điều này, chúng ta tu suốt đời cũng không đắc đạo. Thật vậy, nhìn vào tấm gương của Đức Phật, khi Ngài chưa xuất gia, không một triết thuyết nào trên thế gian mà Ngài không để tâm tìm hiểu và không thấu đáo. Ngài hiểu vượt hơn thế gian mới bắt đầu phát triển hiểu biết thứ hai. Nói một cách đơn giản, không học tiểu học không thể vào trung học.
Học để tu khác với học của thế gian. Học của người tu là trải qua quá trình chuyển hóa nhận thức trở thành linh hoạt hơn, hiểu biết tinh vi hơn và chính xác hơn. Không phải học bằng cách nhồi vào đầu một số vấn đề để rồi không dùng được. Vì vậy, người tu học khác với người học thức thế gian. Họ học tất cả, nhưng thải ra những cặn bã thế gian, loại bỏ tồn tại trong đầu, vấn đề bớt lần, nên không nhức đầu. Càng học nhiều, cuộc sống và tâm tư của họ càng tự tại, giải thoát, trí họ càng sáng suốt. Đó là tiến trình tu của Bồ tát Văn Thù hay Đức Thích Ca.
Ngày nay, chúng ta cũng bước trên lộ trình tu học này để phát sinh trí tuệ, không phải để sinh ra kinh nghiệm. Những người có kinh nghiệm, chúng ta thường khó gần gũi họ hay khó hướng dẫn; vì họ luôn mang cả một khối nghi trong đầu. Người tu lắng lòng cho gương tâm trong sạch, sự vật bên ngoài ảnh hiện vào, thấy sự vật và người đúng như thật. Nhìn đối tượng, biết rõ yêu cầu, tâm trạng, khả năng của họ, nên không bao giờ phạm lỗi lầm trên thế gian và khi giao việc cho người, nhất định thành công. Đạt được tư cách này là Chuyển luân Thánh vương, một nhà lãnh đạo đức độ đại tài.
Khởi điểm từ hiểu biết của con người, chuyển hóa lần, vượt trên hiểu biết bình thường, đạt đến cái thấy siêu tự nhiên, nảy sinh ra trí thứ hai là tự nhiên trí của Thanh văn, ngày nay là hiểu biết khoa học. Mới nâng trình độ hiểu biết đến nấc thứ hai, sự vật đã biến đổi khác hẳn. Chẳng hạn như trí thông minh của nhà khoa học đã chế tạo được tàu thủy hay phi cơ chở được biết bao nhiêu người và vượt được khoảng cách không gian thật xa trong một thời gian ngắn.
Cao hơn, nâng hiểu biết lên đạo chủng trí của Bồ tát và Như Lai huệ, Phật huệ thì sự việc đổi khác thật sâu xa rộng lớn. Bên ngoài thấy một con người bình thường, nhưng bên trong hàm chứa hiểu biết và tình cảm tác động không thể nghĩ bàn, không đo lường được. Đức Phật dạy A Nan rằng lượng nước trong bốn biển còn đo được, hư không vô tận còn tính được; nhưng sức Thiền định, trí tuệ và vô ngại biện tài của Bồ tát không thể nào đo lường biết được. Thiền định lực, trí tuệ lực và phương tiện thuyết pháp lực của Bồ tát, trí Thanh văn không thể nào bắt kịp; vì việc làm của Bồ tát có sức sinh động vô cùng tận.
Điều Phật dạy gợi cho chúng ta suy nghĩ Bồ tát là người thế nào. Ở đây Bồ tát chỉ là ông Duy Ma già bệnh, một trưởng giả cư sĩ, không xuất gia. Điểm này Đức Phật muốn nhắc đệ tử của Ngài nên nhìn sự thật ngay trước mắt. Có nhiều việc thấy rất tầm thường theo hiểu biết của phàm phu hay Thanh văn, nhưng bên trong hàm chứa một cái gì phi thường. Thật vậy, người tu Bồ tát hạnh thường thực hiện pháp nội bí ngoại hiện; nghĩa là làm những việc thật tốt đẹp mà người thường không biết được, còn phần hình thức bên ngoài, thì họ tùy người, tùy chỗ, tùy thời làm những việc khác nhau. Vì vậy, các Bồ tát xuất hiện trên nhân gian, phần nhiều bỏ xác thân rồi, chúng ta mới biết các Ngài là Bồ tát.
Ở đây, Bồ tát Duy Ma là ông già bệnh sắp chết mà Đức Phật giới thiệu là trí tuệ tuyệt vời, thiền định sâu vô hạn. Hình dáng ông bên ngoài tuy trông rất đơn giản, nhưng nội lực của ông thì không thể nghĩ bàn; vì bên trong Duy Ma đã có đầy đủ tố chất của một vị Đại Bồ tát ở nước Diệu Hỷ của Đức Phật Vô Động.
Đức Phật dạy như vậy nhằm chỉ A Nan đừng nghĩ mình học rộng nghe nhiều là hơn mọi người; vì sự thật các Bồ tát hiện thân ở thế gian dùng đủ cách giáo hóa, với tâm lượng phàm phu, chúng ta không thể biết được. Đừng tìm kiếm thế giới xa xăm nào khác, phải nhìn ngay vào cuộc sống đời thường mà phát hiện ra những con người cao quý tỏa hương thơm ngát cho đời qua hình dáng bên ngoài giản dị bình thường. Ngoài Duy Ma là Bồ tát hiện thân một cư sĩ già bệnh, chúng ta còn thấy Ca Nặc Ca độ ngài Ngộ Đạt bằng hiện thân người bệnh hủi, ai thấy cũng xem thường. Ngộ Đạt đang được triều đình kính trọng nên cứ mãi nhìn lên để tìm Bồ tát, không ngờ Bồ tát Ca Nặc Ca đang đứng trước mặt ông.
Đức Phật dạy rằng dùng mắt phàm không thấy biết được Bồ tát; chỉ có niềm tin, chân tình và tâm thanh tịnh của chúng ta trực nhận được Bồ tát mà thôi. Nhìn kỹ vào tâm sẽ thấy Bồ tát hiện hữu dưới mọi dạng hình ngay trên cuộc đời bên cạnh chúng ta.
Bồ tát phương trên ở cõi Hương Tích xuống hỏi Đức Phật Thích Ca ở Ta bà ô uế có Bồ tát hay không và ở đây Bồ tát tu hành như thế nào. Qua câu hỏi của Bồ tát Hương Tích, phải ngầm hiểu rằng thông thường sống trên cuộc đời, chúng ta hay hướng tâm về các thế giới trên để tìm Bồ tát. Tuy nhiên, lên đến tận thế giới Hương Tích cũng không tìm ra Bồ tát và phải quay ngược xuống Ta bà hỏi Đức Phật Thích Ca.
Điều này cho chúng ta suy nghĩ ở ngay trên cuộc đời này mới có Bồ tát. Bồ tát ở thế giới khác không còn là Bồ tát, vì Bồ tát nghĩa là giác hữu tình, sống làm lợi ích cuộc đời, làm cho người giác ngộ giải thoát. Bồ tát phương trên không thể hiện hạnh này, không được xem như Bồ tát.
Đức Phật giới thiệu Duy Ma Cật là Bồ tát ở thế giới của Đức Phật Vô Động hiện thân vào Ta bà làm Phật sự, nhờ đó Ngài mang danh là Bồ tát. Đức Phật Thích Ca cũng vậy, Ngài sinh trên thế giới Ta bà này nên Ngài mới là Bồ tát Hộ Minh, nghĩa là người giữ được ánh sáng chân lý trên cuộc đời. Nếu Ngài không hiện hữu trên thế gian, cũng không được gọi là Bồ tát.
Bồ tát nhằm chỉ cho những người thành xong Vô thượng đẳng giác, vì thương nhân gian sinh lại cuộc đời, làm lợi ích chúng hữu tình. Thí dụ Bồ tát Văn Thù là thầy của ba đời các Đức Phật. Hoặc Đại thừa xem Ngài Long Thọ, Huệ Tư đại Thiền sư hay Thánh Đức thái tử đều là Bồ tát Văn Thù tái sinh trên đất Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Các vị này thành xong Vô thượng đẳng giác sinh lại nhân gian, sống rất bình dị như mọi người, nhưng cuộc sống rất có ý nghĩa. Ảnh hưởng của các Ngài đối với xã hội đương thời và sau khi vắng bóng trên cuộc đời thật mãnh liệt. Muốn xác định vị trí Bồ tát, chúng ta cần xem xét lực chi phối tác động của các Ngài.
Đức Phật dạy các Bồ tát phương trên phải có đối tượng mới hành Bồ tát đạo được. Bồ tát là người giác hữu tình, mà không có hữu tình để giác, giống như thầy dạy học nhưng không có học trò để dạy, thì chỉ là thầy trên danh nghĩa mà thôi. Từ ý này, Đức Phật dạy Bồ tát triển khai sáu pháp ba la mật tất yếu phải có chúng sinh, chúng sinh nghiệp và chúng sinh phiền não làm môi trường cho Bồ tát tu. Bồ tát khác biệt với phàm phu ở điểm đó. Vì vậy, căn cứ vào hạnh mà phát hiện ra Bồ tát, còn thân vật chất ai cũng như nhau.
Trong sáu pháp tu của Bồ tát, trước nhất Bồ tát tu pháp bố thí trên căn bản tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tuy nhiên, muốn hành bố thí, phải có đối tượng. Nếu chúng sinh không có yêu cầu, ai cũng hiểu biết và đầy đủ cơm ăn áo mặc nhà ở, thì muốn bố thí cũng chẳng ai nhận. Ngoài ra, có đối tượng cần được giúp đỡ và lòng thương người của chúng ta cũng thật rộng, nhưng phước chúng ta quá ít, cũng không hành bố thí được. Tôi nghĩ mặc dù mình nghèo, nhưng ở đây vẫn làm được việc công đức; vì có nhiều người nghèo hơn, tôi còn bố thí, nói pháp được, làm lợi ích cho người. Lên nước Hương Tích, tôi không làm được gì; vì các Ngài ở đó quá giàu, một hột cơm của các Ngài đem về Ta bà, mà cả thành Tỳ Da Ly ăn cũng không hết. Đối với người hành Bồ tát đạo, xã hội nghèo cùng khó khăn là môi trường hấp dẫn Bồ tát đến. Bồ tát Duy Ma thể hiện mẫu người này. Ngài từ thế giới Vô Động sinh lại cõi Ta bà, hiện hữu trong pháp hội của Đức Phật Thích Ca.
Ngoài pháp bố thí, Bồ tát chỉ luyện được tâm tánh và thành tựu pháp nhẫn nhục trong thế giới Ta bà với chúng sinh cang cường hung bạo, chuyên nói ngược xuôi đủ kiểu. Ở thế giới Hương Tích, toàn những thượng thiện nhân trí thức. Mỗi lời nói của các Ngài đều cân nhắc đúng đắn, làm gì có mất lòng mình mà nhẫn với ai. Duy Ma thành tựu sáu pháp ba la mật thể hiện mẫu Bồ tát lý tưởng mà Đức Phật muốn giới thiệu.
Trí tuệ và sự hoạt dụng kết hợp với tình thương của Bồ tát không đo lường được, đó là triết lý hàm chứa trong câu chuyện Duy Ma đem các Bồ tát khác đến đảnh lễ Đức Thích Ca. Các Bồ tát đến với Duy Ma chắc chắn không đến bằng con người xương thịt. Chúng ta có thể hiểu đó là năng động tánh của một con người.
Tới vườn Yêm La, A Nan bắt gặp mùi hương lạ từ trước chưa nghe. Hương này người tu cảm được. Ở đây diễn tả tâm hồn yên tĩnh đến mức độ nào đó, sẽ bắt gặp sự tương ưng với tâm hồn đồng một trạng thái. Thấy Phật, nghe pháp dưới dạng này mới bước vào thế giới tôn giáo. Còn mang đầy đủ hiểu biết thực tế của phàm phu, hành giả vẫn đứng ngoài ngưỡng cửa, khó thâm nhập thế giới quan bất tư nghì.
Đức Phật giải thích cho A Nan mùi hương lạ chỉ có trên nước Chúng Hương của Đức Phật Hương Tích. Hương này là ngũ phần tâm hương. Hành giả có tâm thành sử dụng được ngũ phần tâm hương ngang bằng với ngũ phần Pháp thân mới tương giao với Đức Phật và mùi hương mới hiện ra. Vì vậy trước khi tụng kinh, chúng ta tụng:
Giới hương định hương dữ huệ hương,
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương,
Quang minh vân đài biến Pháp giới,
Cúng dường thập phương Tam Bảo tiền.
Nghĩa là lòng thành của chúng ta phải chở được năm phần công đức mà bài cầu nguyện nói lên. Muốn tiếp cận Đức Phật, hành giả tự kiểm lại thân tâm có trong sạch không, giới đức đầy đủ không, tâm hồn yên tĩnh chưa, còn gì vướng bận ràng buộc cuộc sống và tri thức hay không. Kiểm được đầy đủ ngũ phần tâm hương, hành giả và Phật có năm tính chất ngang nhau, mới đồng thanh tương ứng, mới thể hiện đúng ý nghĩa của cầu nguyện. Ngược lại, mang tâm niệm tràn đầy tệ ác xấu xa cầu nguyện, Phật của họ biến thành ma nghiệp.
Xá Lợi Phất nói với A Nan rằng nhờ Duy Ma cho ăn cơm dư của Phật Hương Tích, trong thân Ngài cũng có mùi hương này. Nghĩa là ngũ phần Pháp thân Phật tác động Tăng đoàn, nên Tăng đoàn cũng biến thành Pháp thân Phật. Ngày nay, hương này còn lưu lại trong những bậc chân tu. Đệ tử Phật sống đúng lời Phật dạy, được xem là di sản của Đức Phật Thích Ca, là dư hương. "Đàm hoa tận lạc hữu dư hương", bên trong tâm hành giả hoàn toàn thanh tịnh nên tương giao với Đức Phật đến mức giới thể tự thanh tịnh. Lúc ấy, Phật lực gia bị, tác động thẳng vào tâm hành giả, thực hiện được vài việc làm giống Phật. Thí dụ Đức Phật có 100 giới đức, chúng ta bắt chước chỉ giữ được năm giới cấm trong sạch, cũng trở thành mẫu người tốt ở trần gian, tiêu biểu cho phần hương thừa của Đức Phật trên cuộc đời.
Duy Ma giảng cho A Nan rằng nếu là người phát tâm cầu đạo, muốn tìm đường giải thoát khỏi sinh tử, lần chứng được sơ quả, thì mùi hương này hết. Người đắc quả Tu đà hoàn ăn cơm này, đắc A la hán, đạt được hàng bất thoái chuyển, mùi hương mới hết. Từ hàng bất thoái chuyển đạt đến quả vị Phật, mùi hương mới hết. Năm chặng đường tu tiêu biểu cho sự tương ưng với năm loại cơm.
Thuở nhỏ, đọc thấy điều này tôi thích quá, cứ muốn tìm cơm Hương Tích ăn, nhưng chẳng thấy đâu. Tôi thường uớc ao phải chi được gặp Duy Ma chỉ giùm thì sướng biết bao. Đến khi lớn khôn, tôi bắt đầu phát tâm, suy nghĩ nhớ lại mình đã ăn cơm Hương Tích mà không biết. Lúc trước chưa tin Phật, chưa phát tâm, tôi cảm thấy nỗi khổ luôn đè nặng thân tâm. Cuộc đời mình như thuyền không lái giữa bão tố sinh tử, không biết trôi dạt về đâu. Bất chợt, bắt gặp giáo lý Phật như chiếc phao cứu mạng, niềm tin hướng mạnh về Tam Bảo, tôi đã phát tâm hay tôi đã ăn cơm Hương Tích.
Mọi người trong chúng ta hồi tưởng lại quá khứ lúc chưa phát tâm, đều thấy rõ nghĩa này. Bình thường chưa phát tâm, chúng ta không có cảm tình với Phật giáo, đi ngang chùa không muốn nhìn. Bỗng dưng cuộc đời rơi vào cảnh ngộ bế tắc cùng cực, mọi việc thế gian trở thành vô nghĩa đối với chúng ta. Lúc ấy, nhờ may mắn gặp được vị chân tu hay tình cờ đọc sách Phật, tự nhiên trong khoảnh khắc đó, chúng ta phát tâm. Đó là ý nghĩa thứ nhất nhận được cơm Hương Tích.
Khi đã phát tâm, tiến sang giai đoạn hai, đối với hành giả, mọi việc trên cuộc đời không còn hấp dẫn. Hành giả đem hết sinh mạng đến với Phật, sống với pháp. Pháp mới có công năng tác động tâm hành giả. Cơm Hương Tích hay Phật pháp được Duy Ma ví như thuốc dùng chữa bệnh. Vi trùng phiền não nổi dậy liền bị pháp thủ tiêu. Hành giả không quan tâm đến phiền não, chỉ lo nghe pháp, học pháp, tụng kinh, tham Thiền, phiền não tự tiêu. Trước khi phát tâm Bồ đề, chúng ta cũng đủ tham sân phiền não không thua ai. Phát tâm rồi, giáo lý đem vào lòng, cuộc sống chúng ta tự đổi khác. Riêng tôi, trong cuộc đời tu hành, nuốt từng trang giáo lý vào người, thấy 84.000 phiền não từ từ xuất hiện. Tánh xấu nào xuất hiện, tôi mang pháp Phật tiêu diệt tánh đó. Chẳng hạn như tôi đang giận, vụt nhớ Đức Phật Thích Ca, hay Bồ tát Văn Thù, Duy Ma, v.v…, liền chợt tỉnh giác. Nhớ lại mình muốn cầu Vô thượng đạo, mà không vượt nổi những điều tầm thường, thật vô lý.
Nhờ pháp Như Lai tác động, qua sự thanh lọc đào thải, đưa hành giả đến quả Tu đà hoàn, tuy vẫn sống ở trần gian mà không hề khổ lụy. Hành giả tiếp thu pháp, nhận được niềm vui man mác, không cần người khác mang tới cái vui cho mình nữa. Cơm Hương Tích đã chuyển hành giả trở thành một con người khác, nghĩa là hành giả thay đổi thành con người khác trong biến dịch sinh tử của sát na tâm. Không phải đợi chết thân này mới đổi.
Khởi từ Tu đà hoàn, pháp Phật tác động, hành giả tự điều chỉnh nội tâm bên trong trở thành A la hán, cho đến quả vị Phật. Tiến tu theo mô hình này, hành giả không cần nỗ lực gia công dẹp phiền não, mà phiền não tự tiêu. Khi phiền não hết, pháp trở thành tịch diệt tướng, cũng như vi trùng bị tiêu diệt thì thuốc tan. Có chúng sinh gây phiền não làm tôi nhớ đến Phật, nhưng không có chúng sinh phiền hà, tôi cũng quên ngay Phật. Hay nói cách khác, Phật và chúng sinh tánh thường rỗng lặng.
Duy Ma nhắc hành giả chứng quả vị A la hán xong, phiền não tiêu sạch, pháp cũng theo đó biến mất. Nếu còn giữ lại là còn chấp pháp, không giải thoát. Người học pháp Phật, mà không hết phiền não, càng học càng kiêu ngạo, được xếp vào hạng tu sai pháp.
Giai đoạn một, ăn cơm Hương Tích, pháp Thanh văn tiêu, chuyển qua Duyên giác thừa. Đem giáo lý đã học đối chiếu với cuộc đời để tìm chân lý. Chứng được quả vị Bích Chi Phật, hiểu chân lý, biết được mối tương quan giữa người với người, người với thiên nhiên. Đây là giai đoạn tu "Tư huệ" của Duyên giác thừa, tạo thành sự chứng biết của Bích Chi Phật. Hiểu biết của Thanh văn là nhờ thầy, nhờ Phật chỉ dạy, khác với chứng biết của Duyên giác. Duyên giác hiểu biết do đối cảnh hay tự suy nghĩ. Khi hành giả suy nghĩ chín chắn, hiểu rõ, tìm đối tượng để giáo hóa xong, bước qua Bồ tát đạo tu huệ, ứng dụng giáo lý vào đời.
Trải qua quá trình tam thừa giáo Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, hành giả học, suy nghĩ và ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống (văn, tư, tu). Tam thừa giáo là quá trình tu, không phải là ba pháp riêng rẽ. Kinh Pháp Hoa xác định tam thừa đồng quy nhất Phật thừa.
Trở lại cuộc đời Đức Phật, chúng ta thấy rõ Ngài cũng đi theo lộ trình này. Khi còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, Ngài luôn khao khát mở rộng tri thức, tìm học khắp nơi không biết mệt mỏi. 5 năm tìm đạo, Ngài trải qua đoạn đường tu "Văn huệ" của Thanh văn thừa. Sau đó, Ngài tiếp tục 6 năm khổ hạnh, tu Thiền định và 49 ngày tư duy dưới cội Bồ đề, thực hiện giai đoạn "Tư huệ" của Duyên giác thừa. Ngài suy nghĩ những gì liên hệ đến nhân sinh, đạt đến quả vị Bích Chi Phật hay Độc Giác. Nghĩa là thấy rõ mối tương quan tương duyên giữa con người và muôn sự, muôn vật trên cuộc đời. Nếu đến đây Ngài nhập diệt, thì không ai biết Phật là gì. Cuối cùng suốt 49 năm Đức Phật hành Bồ tát đạo, lặn lội dọc triền sông Hằng thuyết pháp giáo hóa chúng sinh hay "Tu huệ". Mãn 49 năm kết thành tam thừa quả mãn. Bấy giờ, Phật Niết bàn trở về bản vị Như Lai của Ngài ở Thường Tịch Quang chơn cảnh. Ngài không còn giáo hóa chúng sinh, nhưng lực tác động của Như Lai đối với chúng ta thật mãnh liệt rộng lớn không cùng.
Đức Phật nhắc thêm A Nan rằng chư Phật mười phương thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, mỗi vị làm một việc khác nhau. Từ trước, mọi người chỉ nghĩ có một Đức Phật Thích Ca duy nhất. Đến kinh Duy Ma giới thiệu Đức Phật đầu tiên là Hương Tích, nhằm mở ra cho thấy nhiều vị Phật hiện tại. Các Ngài tùy theo trình độ, nghiệp lực, cơ cảm của chúng sinh mà thuyết pháp giáo hóa không đồng.
Sự giới thiệu này cũng để dẫn chúng ta trở lại với lời dạy của Đức Phật Thích Ca : "Phật thuyết nhất âm chúng sinh tùy loại giải". Riêng trong loài người, tùy thân phận từng người nghe tiếp thu pháp và vận dụng pháp Phật vào cuộc sống mang lại kết quả thiên hình vạn trạng, không ai giống ai. Đứng ở góc độ này quan sát, chúng ta thấy Bồ tát có tâm hồn cởi mở hơn Thanh văn. Thanh văn muốn mọi người thuần nhất giống hệt nhau, nếu khác thì họ không chấp nhận; trái lại, Bồ tát đa dạng. Ở trên hiện tượng sinh diệt mà bảo đồng nhất, chỉ là ảo giác. Vì vậy, kinh này chỉ cho Thanh văn thay đổi cách nhìn theo Bồ tát. Ở đây diễn tả bằng sự kiện tất cả Bồ tát phương trên nói với Đức Phật Thích Ca rằng khi các Ngài chưa tới cõi Ta bà thường nghĩ thế giới hạ phương tầm thường. Nhưng đến rồi mới thấy những điều kỳ lạ, xin Đức Phật dạy cho.
Theo tôi, Bồ tát nước Chúng Hương nhằm chỉ cho hàng thú tịch Thanh văn ưa trụ Niết bàn, khép mình trong thế giới riêng biệt. Tuy mang danh Bồ tát, cứ tưởng mình làm thầy là nhất; nhưng lại không biết xã hội bên ngoài tiến bộ thế nào. Khi bước vào đời, họ thấy việc làm của Bồ tát thật lạ lùng, có ảnh hưởng vô hạn.
Đức Phật dạy A Nan rằng chư Phật dùng trí tuệ quán sát, nói pháp thích hợp cho từng thế giới khác nhau. Có thế giới dùng hương giáo hóa như nước của Đức Phật Hương Tích. Thế giới của Đức Phật Vô Động lại giáo hóa trong sự im lặng. Cũng có thế giới dùng ngôn ngữ như mộng huyễn, bóng vang, tượng trong gương, trăng dưới nước để giáo hóa; đó là pháp vô thường, khổ, không, vô ngã mà Đức Phật Thích Ca dùng giáo hóa chúng sinh ở Ta bà.
Đức Phật dạy vô thường, khổ, không, vô ngã, chỉ cho thế giới của chúng ta đang sống. Thanh văn tu theo pháp này, nhìn Ta bà dưới dạng sinh diệt, mọi việc cuối cùng đều hoàn KHÔNG, không gì tồn tại trên thế gian. Họ quyết tâm bỏ thế giới sinh diệt, tìm thế giới không sinh diệt, tiêu biểu như thế giới Chúng Hương. Đây là điều nhận lầm của người ở Ta bà đối với giáo lý của Đức Phật Thích Ca, hay đó là sự chấp trước của hàng Thanh văn đi tìm thế giới khác với thế giới đang sống.
Thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật về Tứ Thánh đế phân định rõ ràng thế giới sinh tử và thế giới Niết bàn, một bên khổ và nguyên nhân của khổ, một bên Niết bàn và con đường đến Niết bàn.
Trên bước đường tu, hành giả đi sâu vào thế giới KHÔNG, chợt phản tỉnh rằng trong Ta bà này có gì khác nữa hay không. Bồ tát Chúng Hương xin Đức Phật dạy điều nghi ngờ ấy. Trước kia, các Ngài lầm Ta bà xấu; nhưng nay thấy khác, thấy trong xấu có tốt. Các Ngài muốn phát hiện cái tốt này, là muốn tìm hiểu Bồ tát ở thế giới Ta bà sống và hành đạo như thế nào.
Đức Phật dạy Bồ tát ở Ta bà tu hành, chắc chắn khác Bồ tát của nước Chúng Hương, ở đó, họ không có việc làm; trong khi Bồ tát của Ta bà có nhiều việc làm. Nhiều việc làm kết thành pháp môn tu của Bồ tát và lấy giải thoát làm chính. Thanh văn tu cũng lấy giải thoát làm chính. Đức Phật thường nói nước bốn biển chỉ có một vị mặn, 84.000 pháp Phật cũng chỉ có một vị giải thoát. Tu hành không giải thoát, chỉ luống công vô ích.
Pháp tu giải thoát của Thanh văn là phải bỏ tục xuất gia. Việc đầu tiên, phải từ bỏ sinh hoạt thế gian, không làm ruộng, không làm quan, không buôn bán… và từ bỏ gia đình, sự nghiệp, chỉ đi khất thực. Từ bỏ tất cả, sống một cuộc đời không dính líu trần thế để tiến đến việc dứt khoát thứ hai là bỏ phiền não. Tu thì không được tham lam, giận hờn, si mê, ngã mạn, v.v… Còn người thế gian có đầy đủ tham giận lỗi lầm là bình thường. Ra khỏi phiền não, vượt lên ra khỏi sinh tử, chứng Niết bàn, đắc quả A la hán.
Từ trước, Đức Phật dạy muốn an trụ giải thoát trong thế giới người tu phải vượt qua ba chặng đường: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Cứ theo quá trình này tu, bỏ thế tục, hết phiền não, chứng Bồ đề. Mọi người chấp nhận ý này của Đức Phật một cách dễ dàng, nhưng đến đây, Ngài lại dạy khác. Đức Phật không đặt giải thoát một chiều như cách vừa nói. Ngài dạy "Tận và vô tận giải thoát" là pháp tu giải thoát của Bồ tát theo Trung đạo đệ nhất nghĩa, mới thật sự giải thoát hoàn toàn. (Còn tiếp)
HT Thích Trí Quảng