CHÙA LONG AN (tên thường gọi là Chùa Vĩnh Rẫy)

Địa chỉ: Khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. 

Điện thoại: 0903.020.465


 Do bà Nguyễn Thị Nơi thành lập năm 1901.
Trùng tu lần 1 vào năm 1930 .
Người kế nhiệm: 1. Hòa thượng Thích Hồng Cậy (1940)
                            2. Thích Thiện Long (1993)
TT Thích Thông Hạnh - Trùng tu năm 2001 - đến nay.
Trụ trì: Thượng tọa Thích Thông Hạnh





Ảnh: Thiện Đức

TIỂU SỬ CHÙA LONG AN


Lâu nay khi nhắc đến địa danh Long Mỹ (Hậu Giang), người ta nhớ ngay đến vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng gắn liền với những trận chiến khốc liệt trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Gắn với tinh thần “Hộ quốc an dân” thì sự xuất hiện và sự hiện hữu của ngôi chùa làng, chùa quê trong lòng dân tộc lúc bấy giờ là một nhu cầu thiết yếu phục vụ tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương nói riêng và đó cũng là nét đẹp tinh thần của cả dân tộc nói chung.
Chùa Long An toạ lạc ấp Bình Thạnh, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (nay là khu vực Bình Thạnh C, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Chùa do bà Nguyễn Thị Nơi (hay còn gọi là Bà Cố Cóc Chín) khởi xướng xây dựng lên. Khởi thuỷ là một am tranh vách lá thờ Phật để bà con địa phương tới lui lễ Phật, cầu nguyện mưa hoà gió thuận, gia đạo bình an. Bà đã trông nom và gìn giữ được 30 năm .
Từ năm 1901 - 1930, nối tiếp tâm hạnh của Bà Nguyễn Thị Nơi, Ông Bảy (tức ông ngoại chú Hai Bảnh) một cư sĩ mẫu mực được dân làng quý kính đã sửa sang lại mái am tranh, trong coi việc hương khói.
Cuối năm 1930, ngôi am tranh nằm cạnh bờ sông lớn được dời vào chỗ toạ lạc hện nay. Bà con địa phương nguừoi góp công kẻ góp của xây dựng lại và đặt bảng hiệu là Long An Tự . Giai đoạn này, Ông Hai và Chú Sáu - là những cư sĩ mộ đạo với niềm khát ngưỡng và kính tin Tam Bảo ra sức vận động đêm ngày kinh kệ.
Năm 1940, ngôi chùa trở thành chùa làng của vùng Long Mỹ. Hằng đêm, tiếng chuông chùa vang lên sớm tối đồng hành với nhân dân địa phương, nuôi dưỡng tâm hồn cho biết bao thế hệ để cùng nhau chống lại những trận càng quét của giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng quê hương xứ sở ngày càng phong nhiêu ngay chính từ những nương khoai, rẫy sắn. Dân làng đã cung thỉnh Hoà thượng Thích Hồng Cậy trở về chùa để hướng dẫn bà con tu học hướng đến đời sống Chân - Thiện - Mỹ.
Đến 1960, Hoà thượng viên tịch. Các đạo hữu nơi bổn tự đã cung thỉnh Hoà thượng Thích Thiện Từ, Pháp huý Hồng Trừ - một bậc đạo cao, đức trọng thọ giới pháp ở vùng Châu Đốc về hành đạo, được 15 năm (tức đến 1975) thì Hoà thượng viên tịch .
Giai đoạn này, đất nước hoàn toàn giải phóng, đời sống nhân dân dần dần ổn định, nhu cầu tâm linh làm chỗ nương tựa tinh thần trong những ngày đầu đất nước được hoà bình thì ngôi chùa Long An lại khiếm khuyết vị trụ trì để đảm đương sứ mệnh “Hoằng dương đạo pháp’’. Nên thân tộc của cố Hoà thượng Thích Thiện Từ thành lập ban hộ tự gồm: Ông Hai Bảnh (pháp danh Huệ Đức, tự Huỳnh Văn Hết), ông Ba Thoại, ông Hai Lộc, ông Hai Hiếu….. Quý ông là những cư sĩ thuần thành, đứng ra thay phiên nhau sớm khuya kinh kệ duy trì sự tồn tại của ngôi chùa .
Mãi đến 1993, các vị trong ban hộ tự lần lượt qua đời. Thầy Thích Thiện Long cũng là hàng thân tộc được giới thiệu đi thọ giới và trở về đảm trách ngôi chùa được 5 năm, vì bệnh duyên ràng buộc nên thường đau yếu, Thầy đã giao lại cho Bổn tự cai quản từ năm 1998 - 2000 .
Cuối năm 2000, nhận được lời thỉnh cầu của các phật tử địa phương, Bổn tự đã thỉnh nguyện Ban Đại diện Phật giáo huyện Long Mỹ đề xuất đến Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ bổ nhiệm ĐĐ. Thích Thông Hạnh về đảm trách cho đến ngày nay.
Trải qua bao thời kỳ biến thiên của lịch sử và xã hội, ngôi chùa Long An đã xuống cấp trầm trọng mà nhu cầu tu học của Tăng Ni và phật tử tại địa phương ngày càng cao. Cho nên từ khi đảm nhiệm chức vị trụ trì ĐĐ. Thích Thông Hạnh cùng với các Ban, Ngành chủ quản và các phật tử đã tái thiết và xây dựng tu bổ chùa Long An với dáng vẻ như hiện nay. Mặc khác, với tinh thần “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc’’ Đại đức Trụ trì đã thực hiện nhiều công tác từ thiện, an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ đời sống nhân dân địa phương thêm phần ổn định và tô điểm cho quê hương Long Mỹ ngày càng khởi sắc và phồn vinh.
Tóm lại, trải qua hơn 150 năm hình thành và phát triển. Hình ảnh ngôi chùa Long An vẫn êm đềm theo năm tháng với lời kinh tiếng mõ trầm bỗng nhịp nhàng. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy là sự kết tinh từ truyền thống đạo lý, và sự hội tụ từ những phẩm tính nhân văn cao đẹp của dân tộc. Song song đó, những hàng Tăng sĩ tại bổn tự luôn lấy nền tảng giáo lý, tư tưởng Phật giáo làm lý tưởng tu học của đời mình, gắn liền với tinh thần “Từ Bi - Trí Tuệ’’, phụng sự nhân sinh, tô bồi đạo pháp, trọn đời hiến thân, xứng đáng làm bậc sứ giả Như Lai. Từ đó, chuyễn hoá những trầm luân, khổ đau trong nhân sinh thành quê hương thanh bình an lạc, để mái chùa luôn là nơi nương tựa tâm linh của nhân dân, là nơi nuôi dưỡng tinh thần cốt tuỷ của đạo Phật cùng với những cảm thông sâu sắc trong tự tình quê hương dân tộc .
“ Mong sao dân tộc bình yên - Đạo vàng che chở dân hiền mến yêu ’’